(HNM) - Bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đồng hành với các cấp chính quyền đẩy lùi dịch Covid-19, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, phát huy rõ nét vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đồng hành với nông dân
Gần 2 năm qua, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ chủ động vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19, vừa đồng hành với nông dân phát triển kinh tế. Riêng từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo xây dựng được 70 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã chăn nuôi, 1 chi hội nghề mộc điêu khắc... “Cùng với phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân huyện đang khảo sát xây dựng mô hình trồng rau tại xã Thụy Hương với diện tích 21.300m2 và vận động hội viên xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống mới ở khu dân cư. Đồng thời xây dựng 40 mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất, xử lý chất thải trong sinh hoạt trên địa bàn”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Văn Khang cho hay.
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, nhằm hỗ trợ nông dân bảo đảm sản xuất, nâng cao thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân huyện đã cùng các cấp hội trực thuộc đã thành lập mới 2 hợp tác xã; 31 tổ hợp tác trên cơ sở phát triển từ tổ hội nghề nghiệp với các mô hình sản xuất, kinh doanh đa dạng; duy trì hiệu quả 202 tổ, nhóm sản xuất hữu cơ, 14 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các hợp tác xã, các hộ dân và đơn vị liên quan.
Hội viên nông dân Nguyễn Thị Nhã (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Nhờ tham gia nhóm sản xuất do Hội Nông dân xã Đông Dư hướng dẫn nên sản phẩm rau, ổi của gia đình tôi luôn được thu mua với giá ổn định".
Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, 9 tháng qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về thông tin kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, kỹ năng phát triển mô hình kinh tế tập thể cho 4.235 hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hướng dẫn thành lập mới 15 hợp tác xã; 584 tổ hợp tác... Các cấp hội cũng vận động nông dân tham gia sửa chữa 3.425km đường giao thông nông thôn; hiến 13.785m2 đất xây dựng công trình nông thôn mới; đảm nhận trên 4.000 đoạn đường tự quản; xây dựng 36 mô hình cánh đồng sạch…
“Hội Nông dân các huyện, thị xã cũng phối hợp tổ chức 4.725 buổi tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí 4.925 cán bộ, hội viên tham gia trực chốt phòng dịch và 5.232 cán bộ, hội viên tham gia hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng; phối hợp duy trì 1.831 mô hình xóm tự quản “vùng xanh” và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân…”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa thông tin.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song trên thực tế, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, các cấp Hội Nông dân Thủ đô vẫn chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, Hội sẽ tập trung hướng dẫn hội viên phát triển các mô hình theo hướng liên kết, hợp tác theo chuỗi hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường. Hội Nông dân huyện cũng tăng cường phối hợp, làm cầu nối ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, Hội sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, giúp hội viên tiếp cận công nghệ 4.0 để phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho rằng, để làm chủ nền nông nghiệp hiện đại, nông dân Hà Nội phải là những nông dân của công nghệ số để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn văn minh, giàu đẹp… “Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội nghị, tọa đàm về phát huy vai trò Hội Nông dân các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn; tổ chức truyền thông, tập huấn về quản trị kinh doanh và khởi nghiệp... Cùng với đó, triển khai ký kết chương trình hợp tác giữa Hội Nông dân thành phố Hà Nội với Hội Nông dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và thành phố Hồ Chí Minh”, bà Phạm Hải Hoa thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.