(HNMO) - Ngày 18-8, các ban: Đô thị, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã giám sát chuyên đề theo các lĩnh vực ban phụ trách.
* Ban Đô thị HĐND thành phố đã làm việc với UBND huyện Đan Phượng về việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp. Trên địa bàn huyện Đan Phượng có 7 cụm công nghiệp tập trung, nhưng đến nay mới có cụm công nghiệp thị trấn Phùng được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 400m3/ngày đêm và đang đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 500m3/ngày đêm tại cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà. Một số cụm công nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý nước thải chủ yếu là sản xuất đồ mộc. Ngoài ra, một số cụm công nghiệp gần nhau, quy mô nhỏ nên huyện đang đề xuất ghép các cụm công nghiệp để đầu tư đồng bộ cả về môi trường và sản xuất.
Ban Đô thị khảo sát về xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Liên Trung-Đan Phượng. |
Đoàn giám sát đề nghị huyện Đan Phượng cần lựa chọn các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp để bảo đảm môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý; quan tâm rà soát các quy định về thu phí môi trường; phân công rõ cho các đơn vị để việc thu phí môi trường đạt hiệu quả.
* Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và Sở Khoa học - Công nghệ về thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán chuyên đề ngân sách giai đoạn 2014-2016. Đoàn ghi nhận, hai đơn vị cơ bản thực hiện tốt các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã xử lý dứt điểm 2/11 nội dung kiến nghị; Sở Khoa học - Công nghệ thực hiện dứt điểm 1/6 nội dung theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đoàn đề nghị hai đơn vị thực hiện xong các nội dung còn lại trong năm 2017. Riêng đối với Quỹ Đầu tư và phát triển, Đoàn đề nghị tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thu hồi vốn tạm ứng và quyết toán; lập danh sách các chủ đầu tư đã quá hạn trong công tác quyết toán ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Quỹ, đề xuất biện pháp xử lý với thành phố.
* Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã làm việc với hai huyện Đông Anh và Gia Lâm về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử.
Huyện Đông Anh có 319 di tích, trong đó có 132 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp thành phố... Từ năm 2006 đến nay, huyện đã tu bổ, tôn tạo các di tích với tổng số kinh phí 262 tỷ đồng (trong đó từ ngân sách gần 122 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 141 tỷ đồng). Huyện Gia Lâm hiện có 317 di tích lịch sử văn hóa, công trình, địa điểm có dấu hiệu là di tích. Từ năm 2012 đến nay, các di tích trên địa bàn huyện đã được tu bổ tôn tạo với tổng kinh phí 192 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí xã hội hóa là 127 tỷ đồng.
Đoàn giám sát đánh giá cao hai huyện đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các di tích cũng như công tác tuyên truyền, tổ chức và quản lý lễ hội… Đoàn đề nghị hai huyện Đông Anh và Gia Lâm thực hiện tốt công tác kiểm kê, quản lý chặt chẽ đồ cổ, tránh thất thoát; tiếp tục vận động xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.