Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cà phê cuối tuần: Cần tiết chế hơn

Song Nhật| 23/10/2022 05:26

(HNMCT) - Trong thời gian gần đây, đề cập tới những đề tài xã hội gai góc, nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam thu hút người xem bởi độ chân thực, những cảnh quay được đầu tư kỹ lưỡng. Tuy vậy, nhiều cảnh quay "táo bạo" đã gặp phải sự chỉ trích của người xem do không phù hợp để phát sóng tới đông đảo công chúng thuộc nhiều lứa tuổi.

Mới phát sóng những tập đầu song bộ phim “Hành trình công lý” đã vấp phải sự phản ứng của khán giả khi xuất hiện quá nhiều “cảnh nóng”. Trong phim, nhân vật Hoàng (Việt Anh đóng) bị lộ clip “nóng” cùng người tình cũ, đây cũng là nguyên nhân khiến biến cố ập đến với gia đình và sự nghiệp của anh.

Mặc dù là cảnh quay cần có, song cách thể hiện có phần táo bạo và việc lặp đi lặp lại cảnh này trong suốt 3 tập đầu của phim khiến nhiều người xem cảm thấy khó chịu, nhất là khi bộ phim được phát sóng trên kênh VTV1.

Khung giờ phát sóng bộ phim này là 21h40 và theo nhiều ý kiến, đây vẫn là khoảng thời gian đông đảo thành viên các gia đình cùng xem ti vi, thư giãn sau một ngày làm việc nên có thể có nhiều đối tượng cùng xem, từ các em nhỏ đến người lớn tuổi. Do vậy, những "cảnh nóng" xuất hiện trên phim truyền hình được phát sóng trong khoảng thời gian này là không phù hợp.

Trước “Hành trình công lý”, nhiều bộ phim truyền hình Việt cũng gặp phải phản ứng của khán giả khi có nhiều cảnh quay nhạy cảm như cảnh “nóng”, cảnh bạo lực, lời thoại không phù hợp xuất hiện trên sóng, như phim “Quỳnh Búp bê”, “Người phán xử”... Thậm chí, phim “Quỳnh Búp bê” bị phản ứng gay gắt đến mức VTV phải tạm ngừng phát sóng để chỉnh sửa.

Nhiều người cho rằng phim truyền hình Hàn Quốc rất hấp dẫn, họ cũng đề cập đến rất nhiều đề tài xã hội nóng bỏng song gần như không có những cảnh "quá đà" khiến người xem cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn các cảnh nóng gần như bị lược bỏ, cảnh hành động được thể hiện với cách quay phù hợp, không nhuốm màu bạo lực; câu chuyện tình yêu, gia đình dù đầy rẫy bi kịch nhưng vẫn đề cao giáo dục đạo đức truyền thống.

Việc dán nhãn cảnh báo độ tuổi với phim truyền hình gần như là việc bất khả thi do thói quen cùng xem ti vi vào "giờ vàng" của đại đa số gia đình Việt. Bởi vậy, các nhà làm phim Việt Nam nên cân nhắc cách thể hiện cho phù hợp với văn hóa và thói quen thưởng thức phim trên truyền hình của khán giả, tránh gây ức chế cho người xem.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà phê cuối tuần: Cần tiết chế hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.