Tổng số người nhiễm H7N9 ở Trung Quốc đã tăng lên con số 21, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, tại Thượng Hải, cơ quan y tế đã ghi nhận trường hợp nhiễm H7N9 đầu tiên hồi phục.
Trường hợp đầu tiên khỏi bệnh
Sở Y tế thành phố Thượng Hải ngày hôm qua, 7/4 xác nhận, tính đến 5 giờ chiều, thành phố này có thêm 2 trường hợp được xác nhận nhiễm virus cúm H7N9. Cho tới hiện tại, Thượng Hải có 10 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 4 trường hợp đã tử vong.
Cũng trong ngày hôm qua, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa dịch bệnh Thành phố Thượng Hải Ngô Phàm cũng thông báo rằng, trong số 8 trường hợp nhiễm H7N9 đang được điều trị, có một bệnh nhân 4 tuổi đang hồi phục sức khỏe. Điều này cho thấy, những trường hợp nhiễm H7N9 hoàn toàn không phải đều có triệu chứng nặng thêm.
Sở Y tế Thượng Hải cho biết, trong số 194 người tiếp xúc với 10 bệnh nhân nhiễm H7N9, có 2 người có dấu hiệu ho và đau họng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đã xác nhận, cả 2 trường hợp không liên quan tới cúm H7N9.
Thượng Hải hiện là khu vực có số người nhiễm bệnh và tử vong vì H7N9 cao nhất tại Trung Quốc. Chính quyền sở tại đã phải ra lệnh tiêu hủy 98.000 gia cầm vì lo ngại lây lan của loại virus gây chết người H7N9.
Không loại trừ khả năng bùng phát đại dịch
Ngày 7/4 vừa qua, Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc cũng cho hay, hiện tại, khu vực phát hiện nhiễm virus H7N9 tập trung chủ yếu ở Thượng Hải, tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng bùng phát đại dịch trong phạm vi lớn.
Chuyên gia của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc cho biết, virus H7N9 tìm thấy là virus hoàn toàn mới và hiện tại vẫn chưa rõ nguồn gốc, con đường lây nhiễm cũng không rõ. Bộ Nông Nghiệp cũng cho rằng, có thể, chim di trú đã mang virus H7N9 vào Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc cũng khẳng định, virus H7N9 không liên quan gì tới hiện tượng lợn chết hàng loạt ở Thượng Hải trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ lại lo ngại rằng nếu đàn lợn bị chết vì virus cúm gia cầm thì virus rất có thể biến dị thành chủng loại mới có thể lây lan sang người và từ người sang người.
Đã có thuốc chữa H7N9?
Tân Hoa xã ngày 6/4 cho hay, Trung Quốc đã phê duyệt thuốc Peramivir, một loại thuốc chống cảm cúm mới được cho là có khả năng điều trị hữu hiệu virus cúm gia cầm H7N9.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho biết Peramivir là thuốc ức chế neuraminidase mạnh, được dùng dưới dạng tiêm, có khả năng chống virus cúm H7N9.
Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc lan truyền thông tin cho rằng, một số loại thuốc bắc có tác dụng ngăn ngừa virus H7N9 và đề nghị những người thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao (những người chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bán thịt gia cầm) hãy mua, uống loại thuốc này thay cho uống trà để dự phòng.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp của Cục Quản lý Y dược trong một tuyên bố ngày hôm qua khẳng định, một số loại thuốc bắc đúng là có tác dụng đối với cảm cúm. Song không phải ai cũng thích hợp sử dụng.
Trung Quốc chậm công bố thông tin
Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định: “Chưa có chứng cứ cho thấy virus H7N9 lây từ người sang người”. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng, quan trọng nhất là phải tìm được nguồn gốc lây nhiễm.
Cách đây hơn 1 tháng, đã có thông tin phát hiện virus H7N9 trên cơ thể người, nhưng hơn 20 ngày sau thông tin mới được công khai. Cơ quan có trách nhiệm của Trung Quốc giải thích về sự chậm trễ này là do “việc điều tra cần có thời gian”.
Ngày 5/4, Bộ Y tế Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục công khai mọi diễn biến và duy trì sự liên hệ, trao đổi với WHO và các nước khác, đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng.
Hiện tại, Trung Quốc đang ráo riết tiến hành các biện pháp phòng chống sự lây lan của virus H7N9 cũng như tìm ra nguồn gốc lây lan của loại virus gây chết người này. Ngày hôm qua, truyền thông nước này cũng dẫn lại lời đại diện WHO tại Trung Quốc khẳng định, dư luận không nên quá mức đề phòng với virus H7N9, gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.