(HNM) - Tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định luồn lách sâu vào nội đô tại Hà Nội thời gian qua đã khiến xe “dù”, bến “cóc” ngày càng nở rộ, gây ùn tắc giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp để dần loại bỏ tình trạng trên là thành phố Hà Nội nên sớm nghiên cứu chuyển đổi các tuyến cố định liên tỉnh cự ly ngắn thành tuyến xe buýt...
Xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách liên tỉnh tuyến cố định (đặc biệt là các loại xe limousine) thời gian qua đang gây ra nhiều hệ lụy xấu cho công tác quản lý đô thị tại Hà Nội. Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Đào Việt Long, trên địa bàn Hà Nội có nhiều xe hợp đồng tổ chức thu tiền, đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh, thành phố khác như tuyến cố định. Cùng với đó, các đơn vị vận tải sử dụng trụ sở doanh nghiệp, phòng vé, văn phòng đại diện, các khu đất trống hoặc đất chờ dự án để đón trả khách, bốc xếp hàng hóa sai quy định, dẫn tới hình thành các bến “cóc” xung quanh Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Giáp Bát...
Về phía người dân, bà Nguyễn Thị Tuyến, khu tập thể Dệt kim Đông Xuân (phố Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Thỉnh thoảng có việc tôi lại đi tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. Loại xe limousine 9 chỗ này rất tiện, chỉ cần lên mạng đặt chỗ là xe tới đón tận nhà với giá 200.000-250.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, cũng có lúc xe vào những phố nhỏ gây ùn tắc”.
Sự “nở rộ” của xe hợp đồng trá hình như trên còn khiến các doanh nghiệp vận tải đang đăng ký khai thác tuyến cố định tại các bến xe của thành phố lao đao. Vì thế, nhiều nhà xe đành phải bỏ bến ra ngoài chạy “dù”. Theo báo cáo của các bến xe gửi về Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội trong năm 2019 cho thấy, đã có thời điểm, tại Bến xe Giáp Bát có 66 doanh nghiệp vận tải hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký.
Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà (tỉnh Thái Bình) Lưu Huy Hà cho biết, chỉ tính riêng tuyến Thái Bình - Mỹ Đình trước đây có 100 xe khách, song hiện tại có tới 600 xe limousine vào Hà Nội mỗi ngày. Số xe này cộng với các xe limousine trá hình của các địa phương khác hằng ngày luồn lách khắp các ngõ ngách của Thủ đô gây sức ép lên hạ tầng giao thông, cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát số lượng phương tiện.
Nhằm giải quyết tình trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và thành phố Hà Nội cũng như các địa phương liên quan cần sớm nghiên cứu chuyển các tuyến vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định cự ly ngắn (khoảng 100-200km) có tần suất đủ lớn thành xe buýt; khảo sát, xây dựng đề án cụ thể làm cơ sở tổ chức thực hiện và nên đầu tư theo mô hình xã hội hóa, Nhà nước không phải bỏ ngân sách để trợ giá. Các địa phương dọc tuyến bố trí điểm dừng, đỗ phù hợp.
Tuy nhiên, các tuyến “buýt hóa” này chỉ nên tiếp cận đến các bến xe và tuyến đường vành đai của Hà Nội để không chồng lấn về hành trình, dẫn tới phá vỡ quy hoạch luồng, tuyến của hệ thống xe buýt nội đô vốn đã tương đối ổn định. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng siết chặt điều kiện hoạt động của xe hợp đồng để không tái diễn hoạt động trá hình như hiện nay.
Bày tỏ ủng hộ chủ trương "buýt hóa", Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền nhận định, chuyển đổi các tuyến xe khách liên tỉnh tuyến cố định thành xe buýt đang là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp vận tải. Do đó, trong giai đoạn trước mắt, Tổng cục đề nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội xem xét các tuyến xe có lộ trình dài khoảng 100km để chuyển thành tuyến buýt. Tất nhiên, tuyến xe buýt đường dài sẽ có khác biệt so với tuyến xe buýt nội đô thông thường về phương tiện, điểm đỗ, tần suất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.