Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bưu chính tìm cách vượt khó

Việt Nga| 23/03/2020 07:25

(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đang tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội nước ta, lĩnh vực bưu chính cũng không phải ngoại lệ. Để vượt khó, các doanh nghiệp bưu chính lớn trong nước đã đưa ra nhiều giải pháp…

Doanh nghiệp bưu chính đẩy mạnh phát triển dịch vụ giao hàng nhanh.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đầu tháng 3-2020, lĩnh vực bưu chính chịu tác động chủ yếu từ sự sụt giảm doanh thu do sản lượng bưu chính quốc tế giảm. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc - thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam - bùng phát dịch Covid-19 khiến bưu chính nước này cũng như hoạt động giao thương, lưu chuyển hàng hóa bị đình trệ. Thêm vào đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm mạnh khiến lượng bưu gửi quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể.

Phân tích kỹ về xu hướng và giải pháp để phát triển, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Vietnam Post cho biết, dự báo thời gian tới nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng do chính phủ các nước yêu cầu cách ly, phong tỏa vùng dịch, hoạt động thương mại điện tử gặp khó khăn và hoạt động chuyển phát sẽ bị ảnh hưởng mạnh. "Do vậy, chúng tôi đã xây dựng kịch bản chi tiết cho từng thời điểm để có những giải pháp kinh doanh phù hợp", ông Chu Quang Hào nhấn mạnh.

Cụ thể, Bưu điện Việt Nam đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ mới, như dịch vụ logistics (vận chuyển, lưu giữ và cung cấp hàng hóa) nguyên chuyến; cải tiến dịch vụ chuyển phát nhanh theo hướng đặc biệt; mở rộng kinh doanh dịch vụ chở hàng nặng... Bưu điện Việt Nam đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch vận tải trên toàn mạng lưới (https://stx.vn), hiện đạt gần 1.000 giao dịch/tháng, giúp tối ưu mạng vận chuyển hàng bưu chính liên tỉnh, nội tỉnh của chính mình và doanh nghiệp khác. Đặc biệt, trong lĩnh vực hành chính công, để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân cả nước, Bưu điện Việt Nam giảm cước chuyển phát từ 20% đến 30%... Với các giải pháp linh hoạt này, trong 2 tháng đầu năm 2020, tính riêng dịch vụ hành chính công đã đạt trên 3 triệu hồ sơ, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Còn ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, khi thông tin dịch bệnh bùng phát, Viettel Post đã đưa ra các giải pháp để điều chỉnh kinh doanh, lên kế hoạch tìm nguồn bù chi phí. Đó là tập trung phát triển mạnh các giải pháp công nghệ hóa bưu chính tới khách hàng, như: Ứng dụng (app) Viettel Post, băng chuyền chia chọn tự động, MyGo (gọi xe), sàn thương mại điện tử Vỏ sò...

Viettel Post cũng khuyến khích khách hàng mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò; đẩy mạnh dịch vụ giao hàng nội tỉnh qua ứng dụng MyGo; triển khai chương trình bán hàng đa dịch vụ. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn trong giao, nhận hàng để không lan truyền vi rút, giao hàng hạn chế tiếp xúc... Ngoài ra, Viettel Post còn áp dụng khuyến mãi đến 45% cước chuyển phát cho khách hàng kể từ ngày 20-3 đến 30-4; miễn phí các dịch vụ gia tăng (ứng dụng bán hàng đa kênh, miễn phí bán hàng trên sàn Vỏ sò, dịch vụ lưu kho và miễn cước cáp quang) cho một số khách hàng đủ điều kiện đến ngày 31-12-2020...

Được biết, Vietnam Post và Viettel Post là hai đơn vị mạnh nhất về hạ tầng mạng lưới, logistics. Vì vậy, việc họ triển khai một loạt giải pháp phát triển các ứng dụng thương mại điện tử, logistics khiến sản lượng vận chuyển qua đường tàu hỏa tăng 387%, giao nhận đường bay trong nước tăng 56%; sản lượng vận chuyển đột xuất Bắc - Nam xe ô tô tăng 200%... so với cùng kỳ năm 2019. Những kết quả này góp phần bù lại sự sụt giảm từ doanh thu đi quốc tế.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), dù doanh thu và sản lượng bưu chính quốc tế có bị sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 nhưng lại tạo cơ hội cho thương mại điện tử trong nước phát triển, dẫn đến tổng doanh thu và sản lượng của các doanh nghiệp bưu chính lớn đều tiệm cận chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bưu chính tìm cách vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.