Tại vùng tâm bão bị tàn phá nặng nề là thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã, đang huy động nguồn lực để bảo đảm mạng lưới thông suốt trở lại sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có các điểm phục vụ bưu chính đã hoạt động, riêng mạng viễn thông, phần nhiều nhà trạm BTS vẫn phụ thuộc vào việc cấp điện lưới trở lại…
Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), từ sáng nay 8-9, các điểm bưu cục tại Quảng Ninh, Hải Phòng và một số địa phương khác đã mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng, sau khi buộc phải tạm ngừng phục vụ hôm qua để chống bão số 3.
Đặc biệt, việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội đã được tổ chức lại sớm nhất có thể tại điểm chi trả và tại nhà người hưởng.
Về cung cấp dịch vụ viễn thông, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện một nhà mạng cho biết, với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhà mạng có thể huy động nhân lực để hàn, nối, hoặc thay thế tuyến cáp quang bị đứt khá thuận lợi, nhưng để hoạt động và bảo đảm cung cấp dịch vụ trở lại, phải phụ thuộc vào việc có được cấp nguồn điện hay không. Các nhà mạng có thể huy động máy phát cho các nhà trạm (hiện nhà mạng đang làm tại nhiều điểm), tuy nhiên, máy phát cũng chỉ bảo đảm tối đa chạy 12h và có nhiều trạm không đáp ứng đủ tải.
Tập đoàn VNPT cũng đã điều động 200 nhân lực để hỗ trợ hai địa phương cùng tâm bão bị thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng. Từ sáng 8-9, toàn bộ cán bộ, công nhân viên VNPT đều đang trên mạng lưới xử lý các sự cố, phục hồi dịch vụ thông suốt sớm nhất có thể.
VNPT đã chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, nhờ vậy mạng viễn thông di động cơ bản khôi phục ngay và bảo đảm thông tin liên lạc cho mạng di động VinaPhone trong bão, đáp ứng nhu cầu liên lạc của nhân dân hai địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, dự kiến trong chiều nay, VNPT cơ bản khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh.
Tại thành phố Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc khôi phục thông tin liên lạc đòi hỏi nhiều nguồn lực. VNPT cũng đã huy động đội ngũ kỹ thuật từ các tỉnh, thành phố lân cận cùng nhân lực của VNPT Hải Phòng tập trung xử lý sự cố, dự kiến cũng sẽ sớm hoàn tất.
Thông tin với báo chí đầu giờ chiều nay 8-9, Tập đoàn Viettel cho biết đã huy động gần 500 đội kỹ thuật để tập trung ứng cứu thông tin sau bão. Cùng với đó là các đội chăm sóc khách hàng lưu động hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình bị gián đoạn thông tin với gần 200 điểm sạc pin hỗ trợ khách hàng sạc điện thoại tại các khu vực chưa có điện 24/24h. Viettel đã khắc phục 1.710 vị trí mất điện, khôi phục 25 đường truyền dẫn, 5 vị trí đứt cáp trục, cáp nhánh.
Ngoài ra, Viettel áp dụng ưu tiên với những khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước đã hết số dư, được Viettel cung cấp 20.000 đồng để tiêu dùng tạm thời, các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau chưa thanh toán cước vẫn tiếp tục được duy trì liên lạc. Trong thời gian khắc phục sự cố sau bão, người dân vùng bão được cộng thêm 30% giá trị thẻ nạp khi nạp qua nền tảng số.
Với Tổng công ty Viễn thông MobiFone, do việc cung cấp dịch vụ trên mạng vô tuyến, nên so với Viettel và VNPT, MobiFone ít chịu thiệt hại về mạng lưới. Đại diện MobiFone cho biết sáng nay 8-9, nhà mạng này đã huy động nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật đi cứu thông tin, khắc phục hậu quả sau bão, bảo đảm cung cấp dịch vụ sớm nhất có thể.
Tại các cửa hàng MobiFone ở Hải Phòng, Quảng Ninh, nhà mạng sử dụng máy phát điện giúp người dân sạc các loại đèn, điện thoại, pin dự phòng để người dân giữ liên lạc trong trường hợp mất điện kéo dài…
Theo Cục Viễn thông, trước khi bão số 3 đổ bộ miền Bắc, các nhà mạng đã điều động gần 7.000 nhân viên sẵn sàng trực và ứng cứu thông tin, xử lý sự cố tại các trạm BTS. 100% quân số trực 24/24h bảo đảm ứng phó ở mức độ cao nhất. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đã gửi tin nhắn cảnh báo phòng, chống bão số 3 tới 32 triệu khách hàng trong vùng bị ảnh hưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.