Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều cơ hội cho việc kinh doanh dịch vụ mới, lĩnh vực mới, ngành Bưu chính đã không đứng ngoài cuộc chơi và đang tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và người dân…
Công nghệ số kết nối vật chất
Ngày 11-12 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) khai trương Công viên logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn. Đây là trung tâm logistics có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, với diện tích 143,7ha, tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày (gấp 2 lần so với hiện tại). Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất, nhập khẩu toàn trình, từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới.
Tiếp đó, ngày 12-12, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã khai trương sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn - nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam. Các sản phẩm nông sản bán trên sàn được lựa chọn và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đáng chú ý, Bưu điện Việt Nam hợp tác với TikTok để lan tỏa sản phẩm nông sản trên môi trường số.
Như vậy, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ truyền thống, các doanh nghiệp bưu chính lớn đã chính thức chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và logistics.
Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Tập đoàn Viettel) Hoàng Trung Thành cho hay, khi bắt tay nghiên cứu, triển khai dự án, vấn đề mà Viettel cảm thấy nhức nhối là nông sản bị hư hỏng khi cửa khẩu ùn tắc. Thêm nữa, chi phí logistics hiện nay tại Việt Nam còn cao. Do vậy, Viettel quyết định chọn tỉnh Lạng Sơn là nơi xây dựng công viên logistics nhằm giải quyết bài toán trên. Với Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn, thời gian thông quan sẽ rút xuống còn khoảng 24 giờ, thay vì mất 3-4 ngày như trước đây.
Với Vietnam Post, nhờ lợi thế mạng lưới 13.000 điểm phục vụ, trong đó có hơn 8.000 điểm bưu điện văn hóa xã trải rộng tới tận thôn, bản, cùng hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển chuyên dụng… bưu điện sẽ giữ vai trò kết nối quan trọng với các hộ sản xuất để tiêu thụ nông sản cho nông dân. “Với quy trình lựa chọn sản phẩm chặt chẽ, cùng thế mạnh về cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng và kinh nghiệm triển khai sàn thương mại điện tử, tổng công ty bảo đảm nông sản đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon, an toàn”, ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên Vietnam Post cho biết.
Bưu chính chuyển mình thay đổi
Báo cáo của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) cho biết, từ năm 2013 đến 2022, sản lượng thư nội địa trên toàn cầu giảm 30%, trong khi sản lượng bưu kiện tăng 176% nhờ sự phát triển của thương mại điện tử. Bên cạnh đó, dịch vụ bưu chính phổ cập cũng đang suy giảm. Những xu hướng này đòi hỏi ngành Bưu chính không chỉ thay đổi mà còn phải mở rộng hệ sinh thái và không gian hoạt động để trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế số, thương mại điện tử và chính phủ số.
Nói về quan điểm phát triển, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, ngành Bưu chính trong nước cần tích cực thúc đẩy chính phủ số, trở thành đối tác đáng tin cậy của các cơ quan chính phủ nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp bưu chính và cơ quan xây dựng chính sách cần phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cấp môi trường pháp lý, khuyến khích đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính.
Lãnh đạo Vietnam Post cho biết, công nghệ số chính là chìa khóa để tổng công ty tạo ra những dịch vụ mới, đa dạng hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường. Do vậy, Vietnam Post đã ra mắt và triển khai trợ lý ảo MiPo để hỗ trợ nhân viên bưu điện trong quá trình phục vụ khách hàng, giải quyết công việc hằng ngày và tối ưu hóa năng suất làm việc. Việc ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên biệt nongsan.buudien.vn là một “tuyên ngôn” vững chắc của Vietnam Post trong việc áp dụng phương thức hiện đại, chuyển đổi số để mở rộng đầu ra cho nông sản Việt.
Đặc biệt, thông qua việc ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược lớn, tiêu biểu như TikTok, Vietnam Post còn mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ nói chung và lĩnh vực logistics cho các nền tảng thương mại điện tử nói riêng. Hiện Vietnam Post bên cạnh việc bảo đảm cung ứng tốt các dịch vụ bưu chính, cũng đã trở thành đối tác tin cậy của các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, TikTok shop…
Còn theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng, Viettel sẽ dùng công nghệ để phát triển mạnh mẽ hơn các kết nối vật chất trong thế giới thực. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển hóa các giá trị từ không gian số thành các giá trị thực tiễn, giúp hàng hóa, nguồn lực kinh tế được lưu thông nhanh chóng, hiệu quả. Hạ tầng logistics thông minh sẽ bảo đảm chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả, tối ưu hóa thời gian và chi phí, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trên thị trường toàn cầu. Lãnh đạo Viettel cũng cam kết, sẽ tiếp tục tăng cường tích hợp công nghệ hiện đại và tự động hóa toàn diện nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành. Cùng với đó, Viettel cung cấp các giải pháp logistics phù hợp với chi phí cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu. Viettel áp dụng các giải pháp logistics xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.