Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bứt phá từ nỗ lực cải cách

Hiền Thu| 09/05/2020 06:31

(HNM) - Cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) những năm gần đây được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng và nỗ lực triển khai bằng những giải pháp gắn liền với thực tế công việc. Qua đó, nhiều đơn vị đã có sự bứt phá trong bảng xếp hạng kết quả PAR Index năm 2019 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

Sở Nội vụ Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu thành phố về Chỉ số cải cách hành chính năm 2019. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ Hà Nội, sáng 8-5. Ảnh: Nguyễn Quang

Quyết tâm thay đổi

Theo Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 29-4-2020 của UBND thành phố Hà Nội “Về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các sở và cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội”, dẫn đầu khối sở, cơ quan ngang sở là Sở Nội vụ với tổng điểm đạt 86,93; dẫn đầu khối UBND các quận, huyện, thị xã là quận Cầu Giấy với tổng điểm 95,61. Đây cũng là 2 đơn vị lần đầu tiên vươn lên vị trí đầu bảng.

Nhìn lại có thể thấy, mỗi đơn vị đều có những hướng triển khai kịp thời, phù hợp với xu thế. Với Sở Nội vụ, đơn vị đã thực hiện vượt tỷ lệ đề ra đối với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ đã đơn giản hóa 43/113 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ và cấp huyện, cấp xã. Theo đó đã rút ngắn được 150 ngày làm việc và tiết kiệm trên 12,9 tỷ đồng/năm.

Còn với quận Cầu Giấy, vị trí cao nhất năm 2019 xứng đáng cho quá trình quyết tâm thay đổi và đã tiến bộ 18 bậc trong 4 năm qua. Lần lượt các năm 2016, 2017, 2018, 2019, quận Cầu Giấy đã trải qua các vị trí 18/30; 9/30; 4/30 và 1/30 quận, huyện, thị xã. Đánh giá về thành quả này, ông Nguyễn Minh Hiển, Trưởng phòng Nội vụ quận Cầu Giấy cho biết: “Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn từ quận đến phường đạt 100%. Kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc quận Cầu Giấy năm 2019 có 41.125/44.823 phiếu thu về trả lời “Có hài lòng”, đạt tỷ lệ 91,74%”.

Bà Dương Thanh Hà (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Khi làm thủ tục tư pháp - hộ tịch ở bộ phận “một cửa” UBND phường Dịch Vọng Hậu, tôi đã được hướng dẫn tận tình, chu đáo. Hồ sơ giải quyết nhanh chóng và hoàn trả đúng hẹn nên tôi rất hài lòng”.

Kết quả Chỉ số PAR Index năm 2019 cũng cho thấy một số cơ quan, đơn vị có sự cải thiện đáng kể về thứ hạng so với năm 2018. Điển hình như Sở Xây dựng tiến 12 bậc (từ xếp thứ 17 lên xếp thứ 5); quận Đống Đa tiến 22 bậc (từ 25 lên 3)… Theo ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội), kết quả PAR Index năm 2019 còn nổi lên khác biệt so với các năm trước là có sự bứt phá của một số huyện đang trong lộ trình trở thành quận là Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức.

“Các đơn vị này đã quyết tâm thay đổi, dần khắc phục tồn tại, hạn chế từ những năm trước. Tiêu biểu là công tác chỉ đạo, điều hành tốt hơn, rất chú ý tới việc đo lường sự hài lòng của người dân để nâng cao chất lượng phục vụ”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cần triển khai thường xuyên, toàn diện

Hướng dẫn người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Nguyễn Quang

Kết quả Chỉ số PAR Index năm 2019 của UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội cho thấy tín hiệu vui khi có tới 16 địa phương có tổng điểm trên 91. Huyện Ứng Hòa là đơn vị thấp điểm nhất cũng đạt 83 điểm. Trong khi đó, kết quả năm 2018, chỉ có quận Nam Từ Liêm, Long Biên đạt trên 91 điểm và Ba Vì là đơn vị cuối bảng chỉ đạt 73,95 điểm. Tuy nhiên, ở khối các sở và cơ quan ngang sở, nhìn chung tổng điểm có chiều hướng giảm so với năm 2018, bởi không có sở nào đạt trên 90 điểm (năm 2018 có 1 sở) và có tới 4 sở và cấp tương đương đạt dưới 80 điểm (năm 2018 có 1 đơn vị).

Cách đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của UBND quận, huyện, thị xã hay sở và cơ quan ngang sở đều được chia thành các lĩnh vực, tiêu chí và tiêu chí thành phần rất chi tiết. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó điểm đánh giá của Hội đồng thẩm định (gồm nhiều sở, ngành) là 67 điểm; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 33. Do đó, để có tổng điểm cao, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải triển khai tốt toàn diện các nội dung.

Kinh nghiệm tại các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình… là dù đã triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn luôn đạt trên 99%, song các địa phương vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng bộ phận “một cửa” khang trang, hiện đại. Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Đống Đa Nguyễn Việt Hồng, việc này sẽ đi liền với bố trí cán bộ, công chức giỏi chuyên môn, tăng cường trang thiết bị hiện đại để ngày càng phục vụ người dân tốt hơn.

Còn tại huyện Gia Lâm, cùng với tăng cường phổ biến các nội dung về cải cách hành chính, huyện thành lập đoàn kiểm tra công vụ. Riêng năm 2019, đoàn đã đi kiểm tra 50% xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp, thúc đẩy các đơn vị thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.

Ông Đào Việt Thanh (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Tôi đã xem kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và thấy dường như khối sở chưa cải cách tốt bằng khối chính quyền. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan cấp sở đổi mới hơn trong việc chia sẻ thông tin với người dân, doanh nghiệp”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn thông tin, một trong những kết quả nổi bật năm 2019 là Sở đã triển khai thêm 36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (trong đó có 12 dịch vụ mức độ 4), nâng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên 73/93 thủ tục hành chính (đạt 78,5%). Định hướng này tiếp tục được Sở kiên trì thực hiện và tính đến tháng 4-2020 đã đạt 89/93 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Theo Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh, những đơn vị cuối bảng cần phân tích điểm tồn tại, hạn chế trong năm 2019 để đề ra giải pháp khắc phục. “Điều quan trọng là chỉ rõ được địa chỉ, trách nhiệm cụ thể của những phòng, ban, cơ quan tham mưu cũng như trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của công tác cải cách hành chính”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bứt phá từ nỗ lực cải cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.