Luận đàm thời sự

Bước tiến và phép thử

Đại sứ Trần Đức Mậu 26/12/2023 - 07:08

Với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng của Mỹ và Nga, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mới liên quan đến cuộc giao tranh hiện tại giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông.

Phải mất nhiều ngày, qua nhiều lần chỉnh sửa nội dung và vận động hành lang sôi động ở Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới vượt qua được trở ngại lớn nhất là bị Mỹ phủ quyết. Xưa nay, rất hiếm khi phía Mỹ không phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc những dự thảo nghị quyết liên quan đến Israel. Xem ra, lần này Mỹ dường như ý thức được rằng không thể ủng hộ nhưng cũng không thể phủ quyết được.

Nghị quyết này yêu cầu Israel phải để cho công việc cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp đối với dân thường ở Dải Gaza được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng và ở tất cả các cửa khẩu. Liên hợp quốc sẽ cử đặc phái viên đặc trách điều phối và tổ chức công việc cứu trợ này. Ngoài ra, nghị quyết còn yêu cầu Israel phải tạo tiền đề cần thiết cho việc thỏa thuận và thực thi ngừng chiến dài hạn trong thời gian tới.

Những nội dung như thế của nghị quyết này cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất mới chỉ là bước chuyển nhỏ trên chặng đường còn rất dài nhằm tới cái đích là nhanh chóng chấm dứt lần xung đột này giữa Hamas và Israel cũng như xử lý ổn thỏa mọi khía cạnh liên quan. Dù vậy, nó vẫn có được ý nghĩa chính trị đáng kể vì giúp thúc đẩy công việc cứu trợ nhân đạo và khẩn cấp cho người dân ở Dải Gaza. Nó cho thấy Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vẫn còn có thể thông qua quyết sách chứ không bị tê liệt và vẫn được các thành viên Liên hợp quốc dành cho vai trò xứng đáng trong chuyện này.

Đối với Israel, nghị quyết này không có lợi khi chỉ đề cập đến việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, thúc ép Israel về thỏa thuận ngừng chiến lâu dài mà không đề cập gì đến Hamas; nhưng trong thực chất nó cũng không bất lợi nhiều cho Israel. Israel vẫn kiểm soát các cửa khẩu đi vào Dải Gaza.

Hơn nữa, đại đa số các nghị quyết xưa nay của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đều không được thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh.

Mỹ ủng hộ Israel nhưng lần này không phủ quyết. Nguyên nhân là việc tiếp tục ủng hộ Israel bằng mọi giá đã bắt đầu trở nên lợi bất cập hại đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại. Ở Mỹ hiện có bộ phận cử tri không nhỏ, đặc biệt ở giới trẻ bất bình ngày càng tăng với ông Biden.

Nga không phủ quyết nhưng cũng không ủng hộ nghị quyết nói trên. Lý do là Nga không thể không quan ngại hệ lụy của nghị quyết này tới Nga và Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại giữa hai bên ở Ukraine. Nga vừa không thể đứng hẳn về phe Mỹ và Israel lại vừa phải tìm cách không làm mếch lòng các nước trong thế giới Ả rập và thế giới Hồi giáo.

Thật ra ở đây có sự phân chia ra thành 3 nhóm với 3 cách nhìn nhận khác nhau. Mỹ và Israel không thể phủ nhận nghị quyết nói trên là chuyển biến mới, nhưng đánh giá không được lợi thì cũng chẳng bị bất lợi nhiều. Một bộ phận khác nhìn nhận đấy là bước tiến. Và bước tiến dù có nhỏ thì cũng vẫn là sự thoát ra khỏi tình trạng trì trệ và bế tắc. Nhóm thứ ba không tin nghị quyết này rồi sẽ đưa lại thay đổi tích cực đáng kể gì.

Bởi thế, hiệu ứng thực tế của nghị quyết này như thế nào giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào quyền năng vận hành tiến trình thực hiện trên thực địa của Liên hợp quốc. Cho nên, việc thực hiện nghị quyết này cũng còn là phép thử mới về uy quyền và vai trò của Liên hợp quốc ở khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến và phép thử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.