Sau hơn hai tuần làm việc, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã kết thúc với một bản tuyên bố chung mang ý nghĩa quan trọng.
Trong suốt nhiều ngày trước đấy, sự kiện lớn này bị ám ảnh bởi nguy cơ sẽ kết thúc mà không đạt được tuyên bố cuối cùng nào. Vẫn còn có rất nhiều thành viên tham dự hội nghị không hài lòng với kết quả của hội nghị. Họ cho rằng những thỏa thuận đạt được vẫn còn ít ỏi và chưa thật sự cơ bản, chưa bảo đảm để các nước trong thời gian một vài thập kỷ tới đạt được mục tiêu đã từng được đề ra là giảm mức độ gia tăng nhiệt độ trái đất xuống còn dưới 1,5 độ C. Mục tiêu này tuy vẫn được COP28 tái khẳng định nhưng gần như tất cả các bên tham dự hội nghị đều không còn tin rằng sẽ đạt được mục tiêu ấy trong thời gian mấy thập kỷ tới.
Vì thế, kết quả quan trọng nhất của sự kiện lớn này của Liên hợp quốc là tới năm 2050 chấm dứt hoàn toàn sử dụng năng lượng hóa thạch và từ nay tới năm 2030 tạo dựng nên mọi tiền đề cần thiết để đến năm 2050 đạt được mục tiêu trên.
Lần đầu tiên kể từ trước đến nay, cả thế giới nhất trí từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Việc đạt được thỏa thuận về nhiên liệu hóa thạch này tại COP28 được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Về thời hạn, thế giới có thể đã đưa ra hạn định quá dài. Nhưng về bản chất thì thỏa thuận trên là một cuộc cách mạng thật sự về cách tiếp cận và định hướng. Không cần hình dung hay mường tượng ra sâu rộng hơn cũng có thể thấy, định hướng này sẽ làm thay đổi cơ bản như thế nào toàn bộ lĩnh vực cung ứng và sử dụng năng lượng ở mọi nơi trên thế giới. COP28 đánh dấu sự khởi đầu của việc chấm dứt sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch.
Những quốc gia tại các châu lục hài lòng về định hướng mới này trong khi các đảo quốc ở giữa các đại dương trên trái đất không thể hài lòng. Họ đều thuộc diện những quốc gia trước tiên gặp nguy cơ bị xóa sổ bởi tình trạng nhiệt độ trái đất tăng lên. Dù vậy, ý nghĩa chính trị to lớn và hiệu ứng thực tiễn sâu rộng của kết quả mà COP28 đạt được vẫn không thể bị phủ nhận. Sang năm, COP29 sẽ diễn ra ở Azerbaijan và các thành viên tham dự chắc chắn sẽ cùng nhau tiến bước xa hơn theo định hướng đã được chỉ ra, thống nhất và quyết định ở COP28 năm nay.
Điều không thể không bị phàn nàn và đáng để lo ngại ở kết quả Hội nghị COP28 vừa qua là vẫn còn để mở quá nhiều lỗ hổng hàm chứa nguy cơ định hướng lớn này rồi đây không được kiên định theo đuổi và lại bị tương đối hóa. Hệ lụy của nguy cơ này là cho đến thời điểm năm 2050 không hoàn tất được việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Cái hào khí và quyết tâm ban đầu không được kiên định duy trì cho suốt cả những chặng thời gian sau.
Có hai điều mà COP28 chưa làm được cho dù tranh luận sôi nổi nhiều ngày liền giữa các thành viên tham dự. Thứ nhất là hội nghị không đề ra và thống nhất được về những kế hoạch hành động cụ thể chung cho tất cả các thành viên tham dự và riêng cho từng thành viên để bảo đảm có thể triển khai thực hiện ngay và thành công định hướng lớn nói trên. Nguy cơ "đánh trống bỏ dùi" vốn là bài học kinh nghiệm rất cay đắng và nhãn tiền đối với nhiều sự kiện lớn chung của thế giới. Thứ hai, những cam kết của các thành viên tham dự COP28, giống như những lần trước đây, cho dù có ý nghĩa chính trị thế giới to lớn, nhưng lại đều không mang tính bắt buộc.
Dù vậy, mọi tiến triển tại hội nghị COP28 có nhỏ cũng vẫn rất ý nghĩa và quan trọng đối với nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.