(HNM) - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp gỡ nhằm thảo luận về định hướng cho tương lai chung của Liên minh Châu Âu (EU).
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị diễn ra tại lâu đài Meseberg, ngoại ô thủ đô Berlin của Đức, Thủ tướng A.Merkel cho biết hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề quan trọng của EU. Đây là tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh Châu Âu đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn chưa từng có.
Tổng thống Pháp Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Đối với vấn đề kiểm soát người tị nạn hiện đang gây căng thẳng tại nhiều nước Châu Âu, nhà lãnh đạo Đức cho biết hai nước đã nhất trí sẽ tăng đáng kể ngân sách và quân số cho cơ quan Bảo vệ biên giới Châu Âu (Frontex) vốn có trách nhiệm tuần tra và kiểm soát biên giới ngoại vi của EU.
Tổng thống E.Macron muốn tăng từ 1.000 người hiện nay lên tới 10.000 người, để đưa cơ quan này trở thành lực lượng biên phòng thực sự của toàn khối. Mong muốn của người đứng đầu Chính phủ Pháp xuất phát từ việc nước này đã phải đón nhận ít nhất 100.000 người tị nạn trong năm 2017.
Từ đầu năm 2018 tới nay, tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Pháp thậm chí đã tiếp nhận tới 26.000 người tị nạn, vượt gấp đôi Italia với khoảng 10.000 người.
Bên cạnh việc mở rộng năng lực cho Frontex, EU cũng sẽ xem xét xây dựng một cơ sở tiếp nhận và phân loại người tị nạn nằm ngoài lãnh thổ của mình, để sàng lọc ngay từ đầu những người tị nạn chính trị cần được bảo vệ với những người thuộc dạng di cư kinh tế. Đây là kế hoạch từng bị cả hai nước phản đối, nhưng nay đã có sự thay đổi về quan điểm do sức ép rất lớn từ trong mỗi nước về giải quyết khủng hoảng người di cư.
Một chủ đề đặc biệt quan trọng khác đã có bước tiến lớn sau cuộc gặp thượng đỉnh, đó là việc Đức chính thức ủng hộ ý tưởng của Pháp tiến tới thiết lập một ngân sách chung cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trước năm 2021 sau khi Paris yêu cầu Berlin phải mạnh dạn hơn nữa trong các đề xuất về cải cách Eurozone.
Theo ông chủ Điện Elysee, sự ủng hộ của nền kinh tế lớn nhất khu vực vào lúc này có thể xem là bước ngoặt quan trọng bởi Châu Âu đang bước vào giai đoạn thứ hai của đồng tiền chung. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh vẫn cần nhiều nỗ lực để biến Eurozone thành không gian có một cơ chế đồng thuận đủ mạnh và đủ vững chắc để chống lại những cuộc khủng hoảng hệ thống như đã từng chứng kiến.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức A.Merkel cho rằng việc xây dựng ngân sách chung cho Eurozone sẽ đi theo hướng cải thiện và nâng cao vai trò của cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM) để cơ chế này thành một mô hình như Quỹ Tiền tệ Châu Âu (EMF).
Nói cách khác, ESM phải có khả năng hỗ trợ quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về nợ công với tín dụng ngắn hạn; cung cấp tín dụng dài hạn với kỳ hạn 30 năm trong trường hợp kinh tế cả khu vực gặp nguy hiểm, nhằm tạo tiền đề thực hiện các cải cách cơ cấu.
Dự kiến, chủ đề này cũng sẽ chính thức được bàn thảo trong Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6 tại Brussels, Bỉ. Trước thềm sự kiện quan trọng này, lãnh đạo Đức và Pháp dự kiến sẽ có một cuộc thảo luận nữa nhằm thống nhất phối hợp lập trường của mỗi bên đối với mục tiêu cải cách EU.
Nhìn chung, việc hai nước đạt được những đồng thuận về các vấn đề lớn của Châu Âu trong cuộc gặp gỡ lần này có ý nghĩa rất lớn, đáp lại nỗ lực đưa ra các phương án khả thi nhằm thuyết phục các cử tri Châu Âu vốn đang hoài nghi về khả năng thực hiện các cam kết của khối trước cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.