Kinh tế

Bước tiến dài trong phát triển kinh tế

Anh Minh 09/10/2024 - 14:17

Hà Nội có vai trò đầu tàu dẫn dắt, tác động, thúc đẩy kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả khu vực phía Bắc phát triển.

Trong giai đoạn mới, Thủ đô đang phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng và trí tuệ, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; nâng cao hiệu quả và chất lượng phát triển để xứng đáng là niềm hy vọng của nền kinh tế quốc dân...

kt1.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội. Ảnh: Linh Phạm

Chặng đường đầy dấu ấn

Ngay sau Ngày Giải phóng (10-10-1954), Hà Nội bắt tay vào việc phát triển kinh tế với những cơ sở công, thương hoàn toàn mới, sau này trở thành biểu tượng của tinh thần tự lực tự cường. Đó là Nhà máy Ô tô 1-5, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, khu Cao-Xà-Lá, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Dệt 8-3... Đặc biệt là sự xuất hiện rất ấn tượng, đầy “chất xám” như một kỳ tích của Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1, "đứa con đầu lòng" của ngành chế tạo máy, bên cạnh hàng loạt địa chỉ thương mại như chợ Hôm, Đồng Xuân, Cửa Nam, Hàng Da..., và nhất là Bách hóa Tổng hợp - hình ảnh đại diện của công thương Thủ đô suốt một thời không quên.

Có thể nói, đó là vốn ban đầu, rất quan trọng để Hà Nội từng bước mở rộng quy mô, phát triển cả về lượng và chất trong những giai đoạn tiếp theo. Đáng nói là ngay từ thời gian đó, Hà Nội đã khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả khu vực miền Bắc, cung cấp vật tư, máy móc thiết bị và hàng hóa cho các tỉnh, thành phố bạn; góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội diện rộng...

Từ năm 1986 - 2007, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Giai đoạn này, Hà Nội đóng góp gần 8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), hơn 10% giá trị sản xuất công nghiệp, 11% giá trị dịch vụ, 10% tổng đầu tư xã hội, hơn 9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 14,5% tổng thu ngân sách quốc gia.

Trong giai đoạn 2008 - 2014, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Bình quân đạt 9,23%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 9,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,26%, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 13,3%/năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân tăng 12,97%. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn này liên tục đạt và vượt dự toán, tăng trung bình 10,05%/năm.

Như vậy, nội lực của Hà Nội ngày càng được phát huy tốt hơn, làm nền tảng để thu về những thành quả rõ nét. Đồng thời, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với sự gia tăng nổi trội của khu vực dịch vụ - thương mại, công nghiệp theo hướng hiện đại. Với thực tế đó, giới chuyên gia cho rằng, Thủ đô đã bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh gắn liền với nâng cấp về chất lượng phát triển.

kt2.jpg
Dây chuyền sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TTXVN
kt3.jpg
Hà Nội tích cực chuyển hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch. Ảnh: Bạch Thanh

Từ năm 2015 đến nay là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, có tính bứt phá của Thủ đô. Kinh tế tiếp tục phát triển toàn diện, quy mô được mở rộng không ngừng, thể hiện rõ vị thế, vai trò đầu tàu của Hà Nội trong mối tương quan với cả nước. Đây chính là khoảng thời gian kinh tế Thủ đô phát triển năng động nhất, với sự xuất hiện của hàng chục khu, cụm công nghiệp, nhiều dự án quy mô lớn và công nghệ hiện đại. Bức tranh đô thị cũng được nâng cấp một bước căn bản, rõ nét, từ đó tạo điều kiện và sức hấp dẫn cho việc huy động các nguồn lực tổng hợp, phục vụ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, đến nay, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích tự nhiên và 8,5% dân số của cả nước nhưng Hà Nội đóng góp khoảng 16% GDP, hơn 18% tổng thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc.

Nét nổi bật, được coi là thế mạnh của Hà Nội chính là đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu hơn hẳn các địa phương khác. Đây là lực lượng tạo đà tăng trưởng kinh tế, đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Tính sơ bộ, Hà Nội đang có trên 300.000 doanh nghiệp đăng ký và thành phố luôn là nơi hấp dẫn cho hoạt động khởi nghiệp. Số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng bình quân 10%/năm.

infokt.jpg
Bước phát triển vượt bậc của Thủ đô Hà Nội sau 70 năm. Đồ họa: Trần Tiến Thành

Nỗ lực để vươn xa

HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND (ngày 23-9-2021) thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Thủ đô. Mục tiêu được đặt ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7,5%; trong đó dịch vụ khoảng 8%; công nghiệp và xây dựng khoảng 8,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 2,5%.

Về cơ cấu kinh tế năm 2025, dịch vụ chiếm 65 - 65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5 - 23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4 - 1,6%. GRDP bình quân/người khoảng 8.300 USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 3,1 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7% trở lên.

Để hiện thức hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững, chính quyền thành phố Hà Nội kiên trì chủ trương cải cách, đổi mới tư duy, linh hoạt trong điều hành cũng như nhấn mạnh trách nhiệm, tính tự giác của cả bộ máy công quyền cũng như từng vị trí việc làm trong đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Tất cả nhằm phục vụ tốt nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, gia tăng sức cạnh tranh, Thủ đô trở thành nơi “đất lành chim đậu” đích thực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, Hà Nội tập trung thực hiện những giải pháp phù hợp, dứt điểm nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Hà Nội là địa phương tiên phong ban hành quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến). Riêng năm 2023, Hà Nội xếp thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính; đây là năm thứ 2 liên tiếp Thủ đô đạt kết quả này.

ha-noi-toan-canh.jpg
Ảnh: Việt Phú

Để kịp thời nắm bắt thực tế, tháo gỡ khó khăn, Hà Nội thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hằng năm, UBND thành phố, cơ quan chức năng đều tổ chức một số hội nghị đối thoại với doanh nghiệp theo chuyên đề. Bên cạnh đó, thành phố thiết lập và duy trì hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến nhằm tương tác, trao đổi và thu nhận phản ánh, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là phải đo lường được kết quả cụ thể, hướng tới đo đếm từng chỉ số thành phần theo tuần, theo tháng đối với từng đơn vị, cá nhân...

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu, mặc dù số hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mỗi tháng rất lớn, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu giải quyết nhanh, chính xác nhưng cán bộ của Sở luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của thành phố, cố gắng hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất. Điều đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp, người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi nghiệp trên địa bàn. Đáng nói là thời gian giải quyết hồ sơ cho mỗi trường hợp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới chỉ mất 3 ngày, có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trở thành bài học tham khảo hữu ích đối với nhiều tỉnh, thành phố khác.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tiếp nhận, giải quyết nhu cầu, vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính. Dư luận, cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận đánh giá cao về điều này.

Nhìn thẳng vào thực trạng, đối diện với thách thức để tìm ra giải pháp khả thi, cơ chế phù hợp, tận dụng cơ hội hợp tác, Hà Nội đang phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng và trí tuệ, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại để xứng đáng là niềm hy vọng của nền kinh tế quốc dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến dài trong phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.