Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến lịch sử ở Palestine

Hoàng Linh| 11/10/2017 06:27

(HNM) - Trong nỗ lực nhằm cụ thể hóa tiến trình hòa giải, hai phong trào chính trị của Palestine là phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) và phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine (Fatah) đã cử đặc phái viên tới thủ đô Cairo của Ai Cập để tiếp tục các cuộc đàm phán.

Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah (giữa) chủ trì một buổi họp nội các hòa giải mới đây.


Trong cuộc gặp lần này, phái đoàn Fatah gồm người đứng đầu của phong trào này tại Quốc hội Palestine Azzam Al-Ahmed; Giám đốc cơ quan Tình báo chính quyền Palestine Majid Faraj; và một quan chức Fatah tại Gaza, Fayez Abu Eita. Trong khi đó, Đoàn đại biểu phong trào Hamas được dẫn đầu bởi nhân vật số 2 mới được chỉ định là Saleh al-Arouri; thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza Yahya al-Senwar; và một số thành viên Bộ Chính trị của Hamas.

Các cuộc đàm phán (bắt đầu từ ngày 10-10) đều là họp kín, dự kiến kéo dài trong nhiều ngày để các bên có thêm thời gian cập chi tiết tới việc nối lại quan hệ, chấm dứt bất đồng giữa Fatah và Hamas. Ngoài ra, nhiều vấn đề quan trọng sẽ được đưa ra thảo luận như an ninh tại Dải Gaza; số phận của hàng chục viên chức mà Hamas đã tuyển dụng từ năm 2007; vấn đề bảo đảm cung cấp điện tại Dải Gaza (đang bị Israel phong tỏa nhiều năm qua); kiểm soát các cửa khẩu; giải giáp các lực lượng vũ trang của Hamas (vốn đang sở hữu một khối lượng vũ khí khổng lồ do nhóm Anh em Hồi giáo lên cầm quyền tại Ai Cập trong phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2012 cung cấp). Trong đó, có nhiều vấn đề được đánh giá sẽ là rào cản lớn.

Nhiều ý kiến phân tích cho rằng các bên hoàn toàn có thể đạt được một thỏa thuận hòa giải, chấm dứt một thập kỷ chia rẽ. Nhận định này càng sát thực hơn sau phát biểu của ông Senwar trước khi lên đường tới Cairo với khẳng định hai bên sẽ không trở lại thời kỳ chia rẽ. Hơn thế, việc Fatah và Hamas chấp nhận ngồi chung “thuyền” được coi là tất yếu, giữa bối cảnh khu vực và quốc tế đã có nhiều thay đổi.

Tại Trung Đông, sự chú ý giờ đây đổ dồn vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); hay xung đột tại Syria, Iraq, Yemen, Libya; cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh… Do đó, vấn đề Palestine không còn được quan tâm như trước kia. Mặt khác, sự ủng hộ đối với Hamas đang giảm mạnh do sức ép của các nước. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước Ả Rập đang thể hiện xu hướng ủng hộ Israel ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì thế, các tổ chức Palestine buộc phải có biện pháp củng cố đoàn kết dưới ngọn cờ của Tổ chức Giải phóng Palestine PLO.

Hòa hợp dân tộc vẫn luôn là ước vọng của người dân Palestine. Lâu nay, họ mong muốn Hamas và Fatah chấm dứt xung đột để giảm bớt cuộc sống khổ cực tại Dải Gaza và đạt được sự thống nhất quốc gia, giúp tăng cường vị thế của Palestine trong tiến trình hòa bình Trung Đông với Israel. Việc Hamas chủ trương đấu tranh vũ trang đã dẫn đến những cuộc xung đột với Israel, thậm chí tạo cớ cho quốc gia này từ bỏ các cam kết và làm đình trệ tiến trình hòa bình Trung Đông. Do đó, việc hòa hợp Hamas và Fatah có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với Palestine nói riêng, tiến trình hòa bình của khu vực nói chung.

Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán này là một bước đi lịch sử đối với tiến trình hòa giải giữa hai nhóm đối địch Fatah và Hamas. Nếu đạt được các thỏa thuận, nó sẽ mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp không chỉ với người dân Palestine mà còn đối với hòa bình trong khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến lịch sử ở Palestine

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.