(HNM) - Bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 được công bố sau đúng một năm công bố PCI 2012. Dù nền kinh tế cả nước còn gặp khó khăn, nhưng qua "lăng kính" phân tích bộ chỉ số PCI gốc, "năm 2013 có vẻ là một năm khởi sắc".
Điểm tích cực trong bảng xếp hạng PCI 2013 là các trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đều tăng hạng, trong đó không thể không nhắc tới "bước nhảy" của Hà Nội. Nếu như năm 2012, Hà Nội tụt 15 bậc so với năm 2011, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố thì năm 2013, đã tăng 18 bậc, vươn lên vị trí 33, quay lại "khu vực quen thuộc" trong bảng xếp hạng nhiều năm qua. Kết quả đó không đến một cách ngẫu nhiên mà là thành quả từ nỗ lực điều chỉnh tích cực của thành phố sau khi tự soi "tấm gương" PCI 2012.
Vẫn biết, PCI không là "thước đo" chính xác một cách tổng thể mà chỉ như là "tấm gương" để cả nền kinh tế, mỗi địa phương tự soi vào, từ đó, có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, hướng tới phát triển ổn định, bền vững, thế nhưng, việc tụt hạng sâu đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Lãnh đạo thành phố đã thẳng thắn nhìn vào hạn chế và tích cực điều chỉnh, khắc phục. Ngày 19-6-2013, UBND thành phố đã có Chỉ thị 13/CT-UBND yêu cầu các địa phương, sở, ngành tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI. Nỗ lực của cả hệ thống sau đó cùng với việc quyết liệt thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2013" đã giúp Hà Nội đạt nhiều kết quả hết sức tích cực, trong đó có việc cải thiện chỉ số PCI, mà "bước nhảy" 18 bậc là minh chứng cụ thể. Điều đó cho thấy những thay đổi mạnh mẽ của thành phố, đặc biệt là việc thúc đẩy cải cách, tạo ra thay đổi có ý nghĩa, cải thiện tính minh bạch, cắt giảm thủ tục… đã đem lại niềm tin cho doanh nghiệp và được đánh giá tốt. Nhìn vào những tiêu chí đánh giá cụ thể của Hà Nội trong năm 2013 có thể thấy những "điểm mạnh" như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động vẫn được giữ vững hoặc nâng lên. Một số tiêu chí bị đánh giá thấp, rất đáng suy ngẫm trong năm 2012 như tính năng động của lãnh đạo, thiết chế pháp lý…, tuy chưa thực sự cao, nhưng đã có tiến bộ đáng kể theo đánh giá của các doanh nghiệp. Đó thực sự là kết quả rất đáng ghi nhận sau những nỗ lực của cả thành phố.
Tuy nhiên, nhìn vào bảng xếp hạng tổng thể, đặc biệt là mức độ cạnh tranh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, có thể thấy trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Tính riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng, năm 2013 Hà Nội đứng 8/11 tỉnh, thành phố, tuy vẫn ở mức khá, nhưng chỉ hơn Hải Dương, Nam Định (ở mức trung bình) và Hưng Yên (ở mức tương đối thấp). Đó là chưa kể nếu đặt trong nhóm các thành phố lớn (dẫu biết so sánh là khập khiễng và mỗi địa phương lựa chọn tiêu chí phát triển riêng phù hợp với điều kiện cụ thể) hay so sánh các tiêu chí cụ thể với nhau.
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear: "Giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân bảng xếp hạng mà chính ở động lực mà bảng xếp hạng tạo ra cho các cuộc đối thoại công tư thiết thực để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa…" . Với động lực đó, các cơ quan chức năng, mỗi địa phương của thành phố càng phải nỗ lực nhiều hơn bằng những biện pháp cải cách, thay đổi cụ thể, những hành động quyết liệt... Có như vậy, Hà Nội mới thật sự là "điểm đến lý tưởng" của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.