Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt trong điều trị bệnh động mạch ngoại biên

Trang Anh| 31/12/2020 17:27

Ngày 20-12, Bayer phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội thảo chuyên đề “Bước tiến mới trong điều trị bệnh động mạch ngoại biên” dành cho cộng đồng y khoa chuyên ngành tim và mạch máu trên toàn quốc.

Hội thảo được tổ chức tại hai địa điểm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời truyền trực tuyến, mang đến một diễn đàn thảo luận về các phương thức thực hành y khoa, các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng và dữ liệu khoa học gần đây liên quan đến các phương pháp điều trị mới cho người bệnh động mạch ngoại biên (PAD).

Tại hội thảo, Bayer công bố các chỉ định mới khi sử dụng thuốc kháng đông không kháng Vitamin K (NOAC) như một phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh động mạch ngoại biên, đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực y học về điều trị kháng đông.

Phiên thảo luận và hỏi đáp với chuyên gia về giải pháp mới trong điều trị bệnh động mạch ngoại biên.

Hội thảo khoa học đã diễn ra thành công với sự tham gia của hơn 400 bác sĩ tim mạch, tim mạch can thiệp và phẫu thuật mạch máu. Chương trình khoa học được điều hành bởi GS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch danh dự Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam và GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia báo cáo có các chuyên gia trong nước và quốc tế: PGS.TS.BS Marc Bonaca (Khoa Y Đại học Colorado), TS.BS Nguyễn Quốc Thái (Bệnh viện Bạch Mai) và TS.BS Phan Quốc Hùng (Bệnh viện Chợ Rẫy). Hội thảo đã thảo luận những hướng phát triển mới nhất trong lĩnh vực điều trị y tế và các phương thức tiêu chuẩn, đồng thời cập nhật các phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên tiên tiến nhất.

Động mạch ngoại biên là một bệnh mạn tính có thể tiến triển nặng, trong đó các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu, thường là đến các chi dưới. Điều đáng lo ngại là hầu hết những người bệnh động mạch ngoại biên đều không có triệu chứng. Người bệnh động mạch ngoại biên thường đồng thời có bệnh ở các động mạch khác như ở tim và não. Người bệnh có nguy cơ bị những biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và cắt cụt chi.

Theo thống kê của Nature Reviews Cardiology, năm 2010, ước tính toàn cầu có khoảng 200 triệu người bệnh động mạch ngoại biên chi dưới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số lượng người bệnh này chiếm tỷ lệ nhiều nhất ở các nước thu nhập trung bình - thấp thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Thực tế ở Việt Nam, người bệnh động mạch ngoại biên thường đến viện muộn khi đã đau chân cả lúc nghỉ nên tiên lượng xấu hơn người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Trong năm 2020, lĩnh vực bệnh động mạch ngoại biên đã có nhiều giải pháp mở ra hướng điều trị mới cho người bệnh.

TS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trưởng phòng C4, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về thực trạng và giải pháp trong điều trị chống huyết khối ở bệnh động mạch ngoại biên.

Tại hội thảo, GS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn đã nêu lên tầm quan trọng cũng như gánh nặng bệnh lý người bệnh động mạch ngoại biên nhằm chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp mới trong điều trị bệnh tới các đồng nghiệp, mang lại cơ hội phục hồi sau điều trị cho các bệnh nhân.

Bên cạnh đó, TS.BS Nguyễn Quốc Thái cũng trình bày thực trạng và giải pháp mới trong điều trị bệnh chống huyết khối động mạch ngoại biên. TS.BS Phan Quốc Hùng nêu ra những phương pháp điều trị hiện tại và đặt vấn đề cải thiện tiên lượng cho người bệnh động mạch ngoại biên sau can thiệp. PGS.TS.BS Marc Bonaca đã trình bày những nghiên cứu về bảo vệ người bệnh động mạch ngoại biên thuộc các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

Tổng kết hội thảo, GS.TS.BS Trương Quang Bình cho biết, lần đầu tiên, trong lĩnh vực bệnh động mạch ngoại biên có 2 nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT), cho thấy liệu pháp chống huyết khối làm giảm nguy cơ biến cố lớn tim mạch (MACE), đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cũng như giảm biến cố lớn trên chi (MALE), kể cả biến cố cắt cụt chi ở bệnh cảnh mạn tính (nghiên cứu COMPASS) và cấp tính (nghiên cứu VOYAGER PAD). Những nghiên cứu này là bước tiến mới làm thay đổi hướng dẫn và thực hành điều trị để bảo vệ tốt hơn cho người bệnh động mạch ngoại biên.

Ths.BS Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa nhánh dược phẩm, Bayer Việt Nam phát biểu chào mừng tại hội thảo “Bước tiến mới trong điều trị bệnh động mạch ngoại biên”.

Bác sĩ Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa nhánh dược phẩm của Bayer Việt Nam chia sẻ: “Những bệnh lý liên quan đến tim mạch đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bayer đã và đang nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm ra các phương pháp điều trị mới cho các bệnh này. Trên thế giới, Bayer hợp tác với các viện nghiên cứu cũng như hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu lâm sàng để giúp các bác sĩ tiếp cận các liệu pháp mới nhất trong quá trình điều trị cho người bệnh của họ, theo đó, người bệnh sẽ được tiếp cận các liệu pháp và dịch vụ y tế tốt nhất có thể. Với mục tiêu này, chúng tôi vinh hạnh phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai trong việc tổ chức hội thảo y khoa với chuyên đề: “Bước tiến mới trong điều trị bệnh lý động mạch ngoại biên”.

Hội thảo mang lại nhiều thông tin cần thiết cho cộng đồng y khoa tại Việt Nam. Hy vọng rằng, liệu pháp mới này của Bayer có thể giúp Việt Nam giảm thiểu các trường hợp người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến huyết khối, từ đó giúp người dân cải thiện chất lượng của cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt trong điều trị bệnh động mạch ngoại biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.