Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt mới của du lịch Việt Nam

Theo TTXVN| 02/01/2017 09:44

Năm 2016 là năm thành công, phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hai mốc kỷ lục từ trước đến nay.

Đó là tổng số khách đến nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt) và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên hai triệu lượt). Những dấu ấn này đã tạo ra cơ hội cho ngành du lịch tới bước ngoặt vào một thời kỳ phát triển mới.

Dấu ấn du lịch

2016 là một năm thành công, phát triển chưa từng có của ngành d u lịch, toàn ngành đã thu được những kết quả, thành công ngoài dự kiến. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 lên đến hơn 10 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015. Con số hơn 10 triệu lượt khách đến đã vượt xa kế hoạch đề ra là 8,5 triệu lượt. Bên cạnh đó, toàn ngành du lich cũng đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, trong đó có gần 30 triệu khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015.


Cố đô Huế - địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: TTXVN.


Tất cả các con số trên đều đã bằng hoặc vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đón 10 - 10,5 triệu lượt khách quốc tế; 47- 48 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 17- 18 tỉ USD. Như vậy, ngành du lịch đã về đích trước 4 năm về lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch như Chiến lược đề ra.

Năm 2016 cũng đánh dấu toàn ngành du lịch đã vượt qua ngưỡng tăng trưởng cũ. Theo đánh giá từ Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch): Năm 1994 mới chỉ có 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2000 tăng lên 2 triệu lượt khách quốc tế (tức là mỗi năm giai đoạn này chỉ tăng 170.000 lượt khách quốc tế). Đến năm 2010 đạt 5 triệu lượt khách quốc tế (mỗi năm giai đoạn này tăng trung bình 600.000 lượt khách). Đến năm 2016, tức là 6 năm sau đã tăng gấp đôi so với mốc năm 2010. Trong khi đó, để tăng từ 1 lên 5 triệu trước đó, ngành du lịch đã phải mất tới 14 năm, từ năm 1994 đến năm 2010 mới đạt. Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam là kỳ tích mới của ngành du lịch nước nhà. Ngành du lịch luôn phấn đấu và mong đợi đạt được lượng khách cao nhất có thể. Năm 2016 toàn ngành đạt được mức tăng trưởng như vậy cũng cần nhìn lại thời kỳ sụt giảm khách quốc tế khá dài trước đó. Do ảnh hưởng của sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, ngành du lịch Việt Nam đã sụt giảm sâu lượng khách quốc tế đến trong suốt 13 tháng liên tiếp, phải đến tháng 7/2015 mới phục hồi. Thực tế năm 2014 du lịch Việt Nam đã đạt được xấp xỉ 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoản 4%; năm 2015 gần như không tăng trưởng. Hai năm gần như đã chững lại nên đà phục hồi của năm 2016 là lấy lại một phần sự sụt giảm của những năm trước đó nên mới có sự đột biến như vậy. Thứ hai là sự gia tăng ấy nhờ sự phục hồi cao nhất về số lượng tuyệt đối của thị trường khách Trung Quốc. Riêng thị trường này tăng 1 triệu khách; thị trường Hàn Quốc tăng 450.000 khách; các thị trường còn lại tăng 550.000 lượt...

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định: Năm 2016 là năm thành công lớn của du lịch nước nhà, đầu năm 2016 không ai có thể nghĩ rằng có thể đạt được kết quả này. So với các nước trong khu vực chưa phải là quá tự hào nhưng với bản thân Việt Nam trong bối cảnh khó khăn mà đạt được thành tích này là rất ngoạn mục. Du lịch đáng tự hào là ngành tăng trưởng thực sự, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Nếu chúng ta giữ được tốc độ tăng trưởng 15%/năm thì sau 5 năm có thể tăng gấp đôi lượng khách quốc tế đến...

Du lịch không còn là “ngôi sao cô đơn”

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Trong bối cảnh phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức, ngành du lịch nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của du lịch nước nhà trong năm 2016.


Duc khách quốc tế thăm Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn /TTXVN.


Có thể kể đến việc Bộ Chính trị đã họp và nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội cho phép bổ sung, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. Dấu mốc quan trọng nhất là vào tháng 8/2016, tại Hội An, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo của Thủ tướng về các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn là tiền đề để tạo sự chuyển biến cơ bản cho phát triển du lịch thời gian tới. Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Liên tiếp tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, đưa ra những định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Chính phủ cũng chỉ đạo tập trung cho giai đoạn trước mắt đối với một số nội dung cụ thể về thủ tục nhập cảnh, việc “mở cửa bầu trời”, kết nối các đường bay thẳng tới những thị trường du lịch trọng điểm; thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch .. .

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh: "Chưa bao giờ du lịch Việt Nam có được nhiều cơ hội phát triển lớn như hiện nay; được Đảng, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao như lúc này. Do đó, toàn ngành du lịch chỉ có một con đường là tiến lên phía trước, cần nhìn thẳng vào những yếu kém để khắc phục, đừng tự “ru ngủ” bằng những vinh quang chốc lát của ngày hôm nay."

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Có nhiều điều góp phần vào sự thành công chung của toàn ngành du lịch trong năm 2016, trong đó chính sách đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Sự thay đổi về chính sách đã tạo cơ hội cho du lịch tăng trưởng. Nếu không có chính sách miễn visa đơn phương cho khách đến từ 5 nước Tây Âu sẽ không tạo ra được cú hích cho tăng trưởng. Bởi lẽ Tây Âu là thị trường quan trọng với nhiều nước, đặc biệt với Việt Nam. Ta không kì vọng vào sự tăng vọt của khách đến từ Tây Âu, chỉ cần tăng 1% từ thị trường này cũng góp phần kích thích các thị trường khác phát triển. Năm 2016, khách Tây Âu tăng xấp xỉ 20%, lập tức các thị trường khác đều tăng cao hơn hẳn.

Ông Vũ Thế Bình đánh giá: Toàn hệ thống chính trị đã nhìn nhận du lịch bằng con mắt khác. Năm 2016, hàng loạt các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tranh luận mạnh mẽ trên nhiều phương tiện tạo ra sự thay đổi nhận thức của xã hội, nhất là nhận thức của những người có trách nhiệm. Trong năm 2016 cũng đánh dấu sự ra đời của hàng chục Sở Du lịch ở các địa phương. Dù các Sở còn gặp nhiều khó khăn xong đây cũng là tín hiệu thể hiện quyết tâm của các địa phương coi trọng phát triển du lịch như là mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế, xã hội. Các doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ, các nhà đầu tư lớn cũng đã xuất hiện...

Bên cạnh thành công của năm 2016, ngành du lịch khẳng định cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực, quản lý hoạt động khách du lịch, hướng dẫn viên. Trong năm 2017, ngành du lịch sẽ tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, ban hành; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt mới của du lịch Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.