Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước khởi đầu vững chắc

Chí Kiên| 14/03/2019 06:30

(HNM) - Hà Nội đang đi những bước vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, với kết quả đáng mừng là 30/30 quận, huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học năm 2018; 19/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.


Với đặc điểm kinh tế - xã hội khá đa dạng cả ở thành thị, nông thôn và vùng núi nên bài toán phát triển giáo dục đồng đều, toàn diện ở Hà Nội không hề đơn giản, đặc biệt là việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Mặc dù vậy, những năm qua, trong mục tiêu phát triển, ngành Giáo dục Thủ đô cùng các địa phương đã tập trung tăng cường ngân sách để chăm lo cho những nơi còn khó khăn, khu vực miền núi, tạo cơ hội tốt cho trẻ em ở mọi vùng, miền đều được hưởng các quyền lợi bình đẳng về học tập, sinh hoạt, vui chơi.

Đặc biệt, công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được duy trì và từng bước nâng cao chất lượng bằng việc đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập thông qua tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, suốt đời.

Trên bình diện chung, ngành Giáo dục Hà Nội đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng theo hướng toàn diện và luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Đó là việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường bổ túc văn hóa được duy trì đã giữ vững số lượng, thực hiện đa dạng các chương trình học tập, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và địa điểm nhằm phục vụ đa dạng các đối tượng trong học tập văn hóa, xóa mù chữ...

Việc tiếp tục duy trì, tạo thuận lợi nhất để mọi người dân, ở tất cả độ tuổi đều được thụ hưởng một nền giáo dục có chất lượng và toàn diện luôn là đích hướng đến của giáo dục Thủ đô. Trên tinh thần đó, ngành Giáo dục thành phố cùng các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp và bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực; tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên dạy các lớp học đầu cấp để chuẩn bị tốt cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Học tập và học tập suốt đời là phần việc góp phần không nhỏ nâng cao dân trí, phát triển bền vững, mở ra cơ hội thành công cho mỗi người, trong đó những kiến thức phổ thông cơ bản có ý nghĩa nền tảng, quan trọng cho sự phát triển sau này.

Do đó, việc tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, trường học để nâng cao nhận thức của xã hội về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là rất quan trọng, không có điểm dừng. Những mô hình gần gũi với người dân như các trung tâm học tập cộng đồng, phong trào "gia đình hiếu học", "dòng họ khuyến học",… cần tiếp tục được phát huy, khuyến khích mở rộng một cách thực chất, đi vào chiều sâu.

Cùng với đó là đẩy mạnh gắn việc học tập với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, như kết hợp hướng dẫn nhân dân các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, qua đó tạo điều kiện cho người dân dễ dàng được học tập, tiếp cận tri thức cần thiết trong đời sống.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, ngành Giáo dục Thủ đô đang tiếp tục triển khai mô hình trường học mới, chương trình giảng dạy mới hiệu quả, thiết thực ngay từ đầu để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước khởi đầu vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.