Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá về mô hình quản lý

Hồng Sơn| 01/04/2013 07:00

(HNM) - UBND TP Hà Nội đang nỗ lực triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2015...

Từ năm 1996 đến nay, Hà Nội đã sắp xếp được 420 DN và bộ phận DN. Ảnh: Bảo Lâm


Theo số liệu thống kê, tổng vốn Nhà nước tại thời điểm cuối năm 2012 của các DN 100% vốn Nhà nước và công ty cổ phần có vốn Nhà nước chiếm hơn 50% là 17.979 tỷ đồng. Mặc dù năm 2012 là năm khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, thị trường trầm lắng, song phần lớn DN vẫn kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn. Tổng số nộp ngân sách nhà nước của các DN ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch năm. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng đánh giá, kết quả trên cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết DN khá tốt, thể hiện thực tế là công tác sắp xếp, đổi mới DNNN trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 1996-2012 đã đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, nhiều sản phẩm có uy tín trên thị trường, tham gia xuất khẩu và góp phần hình thành thương hiệu cũng do một số DN đã qua sắp xếp lại sản xuất, như hàng cơ kim khí, dụng cụ chính xác, chế biến nông sản, may mặc…

Năm 2013, Hà Nội sẽ sắp xếp, đổi mới 30 DN hoặc bộ phận DN. Dự tính, khi kết thúc năm 2015, Hà Nội chỉ còn giữ lại 10 DN 100% vốn Nhà nước, 18 DN và 7 bộ phận DN thuộc các tổng công ty, công ty do Nhà nước nắm 50% vốn điều lệ; 18 DN và 15 bộ phận DN thuộc các tổng công ty, công ty do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần. Theo các chuyên gia, khi sắp xếp, nhất là thực hiện CPH DN nên giữ nguyên giá trị DN, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; qua việc phát hành cổ phiếu sẽ tạo cơ hội cho người lao động, nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vốn. Đây là phương án hợp lý để tăng quy mô của DN bên cạnh việc chuyển dần một phần vai trò lãnh đạo cho những nhà đầu tư lớn; mang lại tư duy và cách làm năng động, minh bạch và sòng phẳng với tất cả các thành phần tham gia góp vốn.

Lãnh đạo thành phố khẳng định, quá trình thực hiện sắp xếp DN thời gian tới vẫn sẽ tuân thủ một số quan điểm cơ bản là những gì Nhà nước không cần nắm giữ thì kiên quyết chuyển giao cho thành phần kinh tế khác; khi CPH DN sẽ quan tâm thỏa đáng, bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là về việc làm; tranh thủ thời gian và đầu tư vốn chuyển đổi công nghệ kết hợp xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh; thường xuyên rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh cải cách trình tự, thủ tục liên quan.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp DN thời gian qua cũng đủ để đúc rút một bài học kinh nghiệm. Đó là tình trạng định giá DN chưa chính xác, thất thoát vốn, giải quyết vấn đề công nợ, quyền sử dụng đất đai của DN, tranh chấp về các quyền lợi khác… Một số chuyên gia đã khuyến nghị, cần nghiên cứu khả năng thành lập công ty chuyên quản lý và đầu tư vốn của Nhà nước vào DN để "thu về một mối", từ đó dễ điều hành, cũng như xác định rõ trách nhiệm của đơn vị này trong đảm nhận chức năng bảo toàn, phát triển vốn tại DN sau khi sắp xếp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá về mô hình quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.