(HNMO) – Liên quan đến hai đoạn đường trọng điểm của TP Hà Nội thuộc tuyến vành đai I là Kim Liên – Ô Chợ Dừa và Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu xây dựng “đắt nhất hành tinh” nhưng chưa được bao lâu, thậm chí còn chưa được bàn giao vỉa hè đã hư hỏng, sụt lún, bất cập trong sử dụng đã gây bão trong dư luận và chính quyền TP Hà Nội cũng đang phải đứng ra giải quyết, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm.
Đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa: Thiếu tầm nhìn quy hoạch?
Đoạn đường được mệnh danh là đắt nhất hành tinh (do chi phí GPMB quá cao) có tổng mức đầu tư là 836 tỷ đồng dài khoảng hơn 1.080m, trong đó giá trị xây lắp 100,2 tỷ đồng, hạng mục vỉa hè là 2,5 tỷ đồng. Tuyến này lát gạch blok do Việt Nam sản xuất. Công trình thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản.
Công trình thi công xong năm 2007, bàn giao năm 2008 cho UBND quận Đống Đa quản lý. Qua 6 năm sử dụng, công tác quản lý duy tu, duy trì, vận hành do quận Đống Đa giao cho hai phường Phương Liên và Nam Đồng quản lý.
Với tuyến đường này, tư vấn thiết kế và giám sát của Nhật và Mỹ, làm theo quy chuẩn (vỉa hè cao để ngăn các phương tiện đi lên nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè) nhưng tiếc rằng lại không phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Theo đó, tại tuyến đường tưởng như hiện đại hàng đầu Thủ đô này lại được người dân làm cầu dẫn, thang sắt, bục bệ, thậm chí bạt cả vỉa hè để dắt xe lên gây mất mỹ quan đô thị, “xé nát” cả tuyến hè.
Trong buổi làm việc với PV HNMO chiều 9/7, ông Phạm Đình Tuấn – Phó Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị cho biết: Người dân đề xuất mở lối lên hè vào nhà dân, vài chục mét có một lối, nhưng như thế cũng không thuận tiện vì như thế vẫn xuất hiện bục, bệ. Để giải quyết bất cập trên, hướng xử lý sẽ là trước cửa nhà dân, hạ vát độ cao hè xuống.
Như vậy, câu chuyện ở đây là chỉ từ cái vỉa hè tưởng như cỏn con nhưng đã phản ánh việc quy hoạch, thi công, xây dựng tuyến đường thiếu tầm nhìn; quy chuẩn một đằng nhưng thực tế sử dụng lại đi một nẻo, nên phải làm đi, sửa lại gây tốn kém kinh phí của nhân dân và xã hội. Đó cũng là tình trạng đáng tiếc diễn ra trên nhiều tuyến đường Thủ đô khác.
Hè đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu trong những ngày đang thi công. |
Vỉa hè đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu: Chưa kịp bàn giao đã bị vỡ nát
Đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu có tổng mức đầu tư 975 tỷ đồng, nhưng dài vỏn vẹn chỉ 547m, trong đó chi phí xây lắp theo hợp đồng là 81,6 tỷ đồng và hạng mục vỉa hè là hơn 2,2 tỷ đồng, lát gạch Terazzo. Tuyến đường này mới sử dụng được nửa năm (thông xe kỹ thuật 31/12/2014). Đoạn đường này do Cục giám định của Bộ GTVT thẩm định.
Theo kết quả hiện trường, trong tổng số 6.200m2 hè thuộc đoạn đường này đã có 170m2 bị hỏng, vỡ nát, sụt lún. Nguyên nhân tại một số vị trí vỉa hè bị hỏng vỡ do một số hộ dân và công sở thi công cho máy xúc tải trọng lớn, ô tô tải chở vật liệu đi lên vỉa hè… Phường sở tại đã lập được hơn 10 biên bản các hộ dân thi công làm vỡ hè và có hộ dân đã lát hoàn trả một số điểm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, công tác phối hợp thi công chưa đồng bộ. Ví như hè đường làm xong rồi, nhưng bên điện lực Đống Đa còn đầu tư trạm điện. Tuyến đường này có hệ thống hào kỹ thuật nhưng ở một số vị trí lắp tủ điện, lắp vòi nước cứu hỏa… họ phải đào một số viên gạch lên làm cho ngổn ngang mặt bằng. Một số nhà dân, như nhà đầu 54 Nguyễn Lương Bằng, GPMB sau, khi phá dỡ xong mới lát lại vỉa hè. Ngoài ra, còn có chi tiết, các nắp ga của hào kỹ thuật, trong quá trình nạo vét bàn giao đã cạy lên nhưng không hoàn thiện kịp thời.
Mặt khác, ông Phạm Đình Tuấn cũng cho biết về chất lượng thi công có hiện tượng tổ chức thi công tại một số vị trí chưa phù hợp với yêu cầu về cao độ từ mặt đan rãnh lên đỉnh vỉa. Ông Tuấn khẳng định không có hiện tượng sút lút do thi công, chỉ có một vài điểm do xe tải trọng lớn chở vật liệu, phế thải, đào móng đi lên gây lún, vỡ nát. Riêng với chất lượng gạch, Sở Xây dựng đã lấy mẫu kiểm tra và có kết luận rằng phù hợp với tiêu chuẩn gạch lát hè đô thị.
Vỉa hè đoạn đường này chưa bàn giao quản lý về cho Sở GTVT, trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu (Công ty CP đầu tư xây dựng và xây lắp 661). Đến nay, việc sửa chữa, lát lại 170m2 hè bị hỏng (chi phí 170.000đ/m2 bao gồm cả gạch và vữa lát) trước cửa nhà các hộ dân, cơ quan đã hoàn thành ngày 7/7/2014. Những điểm hè sát nhà hộ dân vẫn còn một ít. Nhà thầu đã bỏ chi phí, sau này làm việc với các hộ dân, cơ quan để hoàn trả.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước thực trạng trên, chính Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng thừa nhận là chưa hài lòng khi tận mắt chứng kiến có những nơi, dù vỉa hè được làm hơn 100 năm mà đá vẫn cứ nhẵn thín, không bị lún sút. Còn ở Thủ đô ta, vỉa hè vừa làm xong đã xuống cấp do thi công ẩu, do ý thức sử dụng kém và do buông lỏng quản lý. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, thi công, giám sát và nghiệm thu công trình. Qua đó kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra hậu quả do sai phạm, thi công cẩu thả; rà soát lại các dự án chuẩn bị đầu tư, không để xảy ra tình trạng tương tự. Không để đường to phố rộng mà người dân muốn dắt xe lên vỉa hè phải đắp bê tông, đặt cầu dẫn bằng sắt, tạo nên cảnh lộn xộn, thiếu mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông…
Trước yêu cầu trên của lãnh đạo TP, ông Tuấn cho biết, ngày 4/7, BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã họp với các đơn vị tư vấn, thi công để kiểm điểm trách nhiệm. Về trách nhiệm kinh tế, nhà thầu trong thời gian chưa bàn giao, các chi phí, sửa chữa phải bỏ ra, không được thanh toán của nhà nước. Các đơn vị tư vấn, giám sát, thẩm tra chia sẻ chi phí hạ hè (viên vỉa).
Căn cứ kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng sẽ báo cáo TP xem xét xử phạt các đơn vị nhà thầu. Đối với cán bộ của BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, yêu cầu các cá nhân tham gia trực tiếp có kiểm điểm (khoảng 5-6 người), thông qua Hội đồng khen thưởng kỷ luật của BQL.
Được biết, sáng 9/7, các sở: Xây dựng, Nội Vụ, GTVT, UBND quận Đống Đa đã làm việc với BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để làm rõ các thiếu sót, trách nhiệm về hai đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ báo cáo lên Thành ủy, TP Hà Nội về vấn đề trên và hy vọng lúc đó sẽ có thêm nhiều việc được sáng tỏ, giúp Hà Nội thực hiện nghiêm kỷ cương của “Năm trật tự, văn minh đô thị 2014”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.