Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển mới trong quản lý đô thị

Lương Linh| 11/10/2015 06:43

(HNM) - Trong quản lý đô thị, nhiều vấn đề nổi cộm của giai đoạn trước năm 2010 đã cơ bản được giải quyết, Hà Nội đã xóa bỏ nhiều điểm ùn tắc giao thông (UTGT), giảm đáng kể vi phạm trật tự xây dựng (TTXD).


1. Ùn tắc từng là vấn nạn của giao thông Thủ đô. Trong giai đoạn 2011-2015, cùng với tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Hà Nội đã triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ nhằm từng bước loại bớt "điểm đen" và rút ngắn thời gian ùn tắc. Trong đó có việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trong khu vực 12 quận và huyện Thanh Trì; tổ chức lại giao thông khu vực có công trình hạ tầng đang thi công và các tuyến đường, nút giao thông có nguy cơ UTGT; điều tiết hoạt động của taxi, xe tải trong khung giờ cao điểm. Từ đó, một số trọng điểm như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Cầu Giấy… giảm đáng kể mức độ UTGT trong giờ cao điểm.


Nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực phía nam thành phố. Ảnh: Lê Hiếu


Đặc biệt, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông bằng việc hoàn thành Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, tại 54 Trần Hưng Đạo. Từ Trung tâm, có thể điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời, thiết lập "làn sóng xanh" để giảm thiểu UTGT và thời gian dừng chờ tại các nút giao; duy trì phân làn, tách dòng phương tiện trên 12 tuyến phố chính, lưu lượng phương tiện lớn như: Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Giải Phóng, Yên Phụ, Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Đê 401, cầu Vĩnh Tuy, quốc lộ 5…

Việc đầu tư, xây dựng các cầu vượt nhẹ mang lại hiệu quả rất cao trong thực tế. Thời điểm mới triển khai cầu vượt nhẹ kết cấu thép trên tuyến Tây Sơn - Thái Hà, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, đã có những ý kiến cho rằng, giải pháp này chỉ mang tính tình thế và nghi ngờ về tính hiệu quả. Thế nhưng, rất nhanh chóng các dự án cầu vượt nhẹ kết cấu thép đã chứng minh được giá trị. Thêm lần lượt những cây cầu vượt mới ở các phố Lê Văn Lương, Kim Mã… Đến nay, cùng với các nhóm giải pháp đồng bộ, những cầu vượt nhẹ của Hà Nội đã góp phần đáng kể giải quyết bài toán UTGT cho Thủ đô. Nếu như năm 2011, toàn Hà Nội có 124 điểm UTGT thì vào những tháng cuối năm 2015, đã được rút xuống còn khoảng 50 điểm, trong đó có một số điểm mới phát sinh do việc thành phố phải lập rào chắn phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm như đường sắt đô thị, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… Thời gian ùn tắc cũng đã giảm đáng kể so với trước đây. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, thành phố sẽ nỗ lực, kiên trì các giải pháp trên, nhằm mục tiêu giảm từng điểm UTGT.

Đánh giá kết quả công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị giai đoạn 2011-2015, UBND TP Hà Nội khẳng định, quản lý TTXD - đô thị, đất đai, tài nguyên - môi trường có những chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Tình trạng xây dựng không phép cơ bản được xóa bỏ nhờ xây dựng đủ, hoàn chỉnh hệ thống công cụ để tăng cường quản lý. Việc tuyên truyền và phối hợp trong quản lý đô thị quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Tăng cường kiểm tra, giám sát từ đó điều chỉnh kịp thời cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn phát sinh.

2. Những năm 2010-2011, công tác quản lý đô thị có không ít vấn đề, bộ mặt đô thị lộn xộn, thiếu mỹ quan... Đặc biệt, hiện tượng vi phạm TTXD xảy ra ở khắp mọi nơi. Trước thực trạng đó, thành phố đã ban hành hàng loạt kế hoạch chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị, hệ thống công viên, cây xanh, chiếu sáng công cộng; đồng thời phê duyệt các đề án xây dựng khu đô thị, quản lý quỹ nhà chuyên dùng... Các giá trị cảnh quan đô thị được nhấn mạnh; công viên được cải tạo, xây mới; hệ thống hồ nước được kè, nạo vét... góp phần tạo dựng đô thị Hà Nội phát triển văn minh, hiện đại.

Xác định rõ số công trình xây dựng không phép nhiều do việc cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép ở địa phương còn lúng túng, thành phố đã có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn quận, huyện, thị xã triển khai chấn chỉnh nhiệm vụ này. Tính từ năm 2011 đến tháng 6-2015, hơn 42.000 giấy phép xây dựng đã được cấp, với tổng diện tích sàn 13,5 triệu mét vuông, vượt trội so với giai đoạn trước. Cùng với cấp phép là việc kiểm tra quản lý xây dựng theo giấy phép. UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 46/2013/QĐ-UBND sắp xếp, kiện toàn bộ máy Thanh tra Xây dựng. Hơn 62.900 công trình xây dựng đã được kiểm tra, qua đó phát hiện xử lý 11.374 trường hợp vi phạm TTXD. Từ đó, tình hình vi phạm TTXD có xu hướng giảm.

Cùng với đó, thành phố tập trung xử lý các công trình nhà "siêu mỏng, siêu méo" với nhiều giải pháp, vừa xử lý công trình tồn tại vừa không để xuất hiện trường hợp phát sinh. Nhiều tổ công tác liên ngành được thành lập để kiểm tra việc quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, quản lý TTXD, xử lý những thửa đất không đủ điều kiện xây dựng kết hợp với chỉnh trang đô thị hai bên các tuyến đường mới mở. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội còn 192 trường hợp tồn đọng từ nhiều năm trước tại các quận, huyện, thị xã, tiếp tục xử lý theo hướng hợp thửa - hợp khối, chỉnh trang, cải tạo. 142 trường hợp lập hồ sơ thu hồi để bảo đảm mỹ quan đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển mới trong quản lý đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.