Sắp kết thúc năm 2024, thành phố Vũng Tàu đạt được nhiều thành tựu nổi bật, vươn lên như một cực tăng trưởng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố cũng đang hướng đến những mục tiêu phát triển mới trong thời gian tới.
Một năm nhiều thành tựu
UBND thành phố Vũng Tàu thông tin, năm 2024, thành phố có 25/26 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,19%. Thu ngân sách ước đạt 5.887 tỷ đồng, đạt 117% dự toán tỉnh giao. Về đầu tư công, năm 2024, thành phố làm chủ đầu tư 147 công trình với tổng số vốn 2.606 tỷ đồng, ước giải ngân đến ngày 31-12 đạt 96%.
Ông Dương Văn Sáng, ngụ tại Khu đô thị Chí Linh, thành phố Vũng Tàu nhận xét: Cả thành phố đang như một công trường lớn, hứa hẹn một diện mạo mới to lớn, hiện đại hơn sắp hình thành, đúng định hướng phát triển đô thị loại 1 của thành phố Vũng Tàu.
“Đáng chú ý nhất là công viên biển Bãi Sau dọc đường Thùy Vân dài gần 4km đang được khẩn trương xây dựng. Tôi nghe nói khi hoàn thành, đây sẽ là công viên biển lớn nhất nước. Ở cửa ngõ phía Bắc, nút giao Long Sơn với đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận sắp hoàn thành. Tất cả minh chứng cho việc thành phố đang phát triển rất nhanh”, ông Sáng nói.
Cũng theo UBND thành phố Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2024, thành phố đã thu hút được 86 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 84 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đạt 54.685 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt 95,15% so với dân số. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trước và đúng hẹn đạt 99,81%...
Đáng chú ý, ngày 4-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thành phố Vũng Tàu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Xã Long Sơn (xã duy nhất của thành phố) cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cho thấy sự phát triển toàn diện giữa đô thị và nông thôn của thành phố Vũng Tàu.
Đặc biệt, với vai trò là một trong các địa phương phát triển du lịch xanh, sạch, đẹp hàng đầu của tỉnh, năm 2024, thành phố Vũng Tàu ước tính thu hút được gần 2,7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 12,47% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2024 đạt 9.915 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,84%/năm. Hiện Vũng Tàu là thành phố duy nhất tại Việt Nam 3 lần liên tiếp đạt danh hiệu Thành phố Du lịch ASEAN.
Hướng đến bước phát triển mới
Mấy ngày qua, cư dân mạng “xôn xao” về bức ảnh chụp những công trình đồ sộ nổi bật trên đường chân trời ở phía Tây thành phố Vũng Tàu. Những công trình đồ sộ ấy không phải là những tòa nhà chọc trời mà là những chân đế trạm điện gió ngoài khơi, đang được các đơn vị của ngành Dầu khí khẩn trương sản xuất cho đối tác Đài Loan (Trung Quốc). Một lần nữa, Vũng Tàu lại cho thấy vai trò quan trọng của một căn cứ lớn cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Hôm 1-12 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức chuỗi các sự kiện về dầu khí và năng lượng tái tạo tại Trung tâm Công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC tại thành phố Vũng Tàu. Một trong những điểm nhấn là những thành tựu của ngành Dầu khí sau 5 năm thực hiện chiến lược tiên phong về năng lượng, dịch chuyển sang năng lượng xanh, sạch.
Cùng với đó, thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000-14.00MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm 8-10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.
Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện các mục tiêu trên là PTSC. Vừa qua, đơn vị đã tham gia đấu thầu quốc tế, trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió ngoài khơi, dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Ngay sau đó, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án điện gió ngoài khơi (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp loại này. Cùng với đó, đơn vị cũng đang xuất khẩu 5 trạm biến áp khác cho khách hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện PTSC thông tin, đơn vị cùng với các đơn vị khác trong ngành Dầu khí Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu biến khu căn cứ dầu khí tại thành phố Vũng Tàu trở thành căn cứ hậu cần của Trung tâm Công nghiệp năng lượng tái tạo cho cả vùng Đông Nam Bộ, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.