(HNM) - Trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 (trong hai ngày 5 và 6-9) tại thành phố Saint Petersbourg (Nga), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm Thụy Điển trong vòng 24 giờ.
Đây là chuyến thăm Thụy Điển lần thứ hai của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm (sau chuyến thăm của Tổng thống G.Bush vào năm 2001). Người đứng đầu Nhà Trắng và Thủ tướng nước chủ nhà Fredrik Reinfeldt đã thảo luận một loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm, từ biến đổi khí hậu, quốc phòng - an ninh, thương mại… Và, người đứng đầu xứ Cờ hoa đã không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định về một cuộc chiến mà người Mỹ sẽ can dự, đó là Syria.
Tổng thống B.Obama (trái) và Thủ tướng Thụy Điển F.Reinfeldt tại cuộc họp báo sau hội đàm tại Stockholm chiều 4-9. |
Thể hiện mối quan hệ gắn bó và sự chia sẻ những giá trị chung giữa Mỹ với khu vực trong thời gian qua, Thủ tướng Thụy Điển F.Reinfeldt nhân dịp này đã mời những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia Bắc Âu dùng bữa tối cùng Tổng thống B.Obama. Sự kiện này có sự tham dự của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg. Theo tuyên bố chung trong chuyến thăm của Tổng thống B.Obama tại Thụy Điển ngày 4-9, năm quốc gia Bắc Âu và Mỹ đã tái khẳng định quan hệ đối tác sâu sắc trong những ưu tiên toàn cầu quan trọng.
Mặc dù Stokholm thiên về "nhiều vấn đề đang nổi lên" như các cuộc đàm phán về tự do thương mại giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) hay biến đổi khí hậu và hợp tác khoa học kỹ thuật… nhưng cuộc khủng hoảng Syria vẫn được Tổng thống B.Obama đề cập thẳng thắn. Thông điệp từ Thụy Điển khẳng định lần đầu tiên trước cộng đồng quốc tế của người đứng đầu Nhà Trắng về sự can dự trực tiếp của Mỹ tại Syria là không thể đảo ngược.
Thực tế, chính quyền Obama đã tìm được sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ ở lưỡng viện của Quốc hội Mỹ. Ngày 5-9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống B.Obama sử dụng vũ lực chống Syria và chỉ còn chờ Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vào ngày 9-9 tới. Nhưng, trên bình diện quốc tế, Washington vẫn đơn độc bên cạnh đồng minh Châu Âu duy nhất là Pháp trong cuộc phiêu lưu quân sự mới tại Trung Đông. Và, như các cuộc chiến do Nhà Trắng phát động, Washington cần có thêm sự ủng hộ từ nhiều nước trước khi mở một cuộc chiến "có giới hạn" nhằm vào Damacus. Vì vậy, chuyến dừng chân tại Thụy Điển của ông chủ Nhà Trắng trước khi tới Nga không chỉ nhằm tuyên bố lập trường của xứ Cờ hoa về Syria mà còn nếu lôi kéo thêm được sự ủng hộ của các quốc gia Bắc Âu sẽ giúp mở rộng sự ủng hộ cho cuộc "trừng phạt" của Mỹ với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Là một quốc gia sở hữu vị trí địa - chiến lược quan trọng ở Bắc Âu, 7 năm qua, dưới sự chèo lái của Thủ tướng F.Reinfeldt, Thụy Điển ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ và khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thụy Điển đã tham gia vào Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan và hỗ trợ các hành động của NATO ở Libya năm 2011. Dẫu vậy, quê hương của giải Nobel có lý do thích hợp để tránh sa lầy vào hồ sơ Syria trong hội đàm với Tổng thống B.Obama khi những cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học chưa được Liên hợp quốc (LHQ) làm sáng tỏ. Thủ tướng Thụy Điển F.Reinfeldt từng khẳng định phản đối các giải pháp quân sự cho một cuộc xung đột, thế nên, dù tại Stockholm, Tổng thống B.Obama có tuyên bố đạt được sự đồng ý với Thủ tướng F.Reinfeldt rằng cộng đồng quốc tế không thể im lặng trước "hành động man rợ" ở Syria và việc không đáp trả sẽ làm gia tăng khả năng xảy ra những vụ tấn công tương tự thì chắc chắn lập trường của Thụy Điển về Syria hiện nay vẫn là ủng hộ một giải pháp từ LHQ.
Rõ ràng, chuyến công du chớp nhoáng tới Thụy Điển của Tổng thống B.Obama ngoài thúc đẩy quan hệ Mỹ - Bắc Âu còn là bước đi nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến được dự báo ngay khi nước Mỹ vẫn ngập trong khó khăn về kinh tế.
Không có lao động Việt Nam làm việc tại Syria theo con đường chính thức
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.