(HNM) - Nền kinh tế cả nước vừa vận hành qua tháng đầu tiên của năm 2014 và thể hiện khá rõ sự đan xen giữa các yếu tố,
Sản xuất công nghiệp đang hồi phục
Trong tháng 1, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, với nguyên nhân là do ngành khai khoáng giảm sâu (giảm 9%), đồng thời do ảnh hưởng của một số ngày nghỉ trước Tết Nguyên đán (trong khi nhiều năm trước thời gian nghỉ Tết là tháng 2). Tuy vậy, vẫn có điểm sáng trong hoạt động sản xuất công nghiệp khi ngành chế biến, chế tạo tăng khá, ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12-2013 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1-2014 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước. Như vậy, các ngành công nghiệp đang thể hiện khá rõ sức vươn lên mặc dù chưa thể đạt tốc độ cao như mong muốn.
Sản xuất hàng hóa tại Công ty cổ phần cơ khí Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải |
Các chuyên gia nhận định, công nghiệp đang hồi phục rõ nhưng chưa thể bứt phá bởi sức cầu còn hạn chế, nhất là trong thời điểm đầu năm nhưng xu hướng tăng trưởng sẽ ngày càng rõ hơn, với tốc độ cao hơn trong những tháng tới, khi sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đi vào thế ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,69% so với tháng trước và là mức tăng thấp so với mức tăng cùng kỳ của một số năm trước. Nguyên nhân một phần do nhiều địa phương triển khai các chương trình bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Mặt khác, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp trong khi lượng cung rất dồi dào. Như vậy, CPI tăng thấp do cả yếu tố điều hành, kiềm chế lạm phát ở hầu khắp các địa phương kết hợp với yếu tố khách quan là sức mua xã hội còn hạn chế. Song, việc CPI tăng thấp dịp Tết, nhất là xét trong bối cảnh đời sống của nhiều bộ phận dân cư chưa thể cải thiện rõ rệt là một thực tế quan trọng, hỗ trợ mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt 10,3 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 17,2%; khu vực có vốn ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 6,8 tỷ USD, giảm 8,2%. Kết quả xuất khẩu giảm do kim ngạch của hầu hết các mặt hàng đều giảm, trong đó có một số mặt hàng chủ lực nhưng giảm mạnh là điện tử máy tính và linh kiện giảm 16,3%; thủy sản: 18,4%; dầu thô: 21,4%; gỗ và sản phẩm gỗ: 21,6%... |
Kinh tế đối ngoại "nhạt màu"
Khác với tình hình tương đối khả quan của hai lĩnh vực công nghiệp, thị trường trong nước nói trên thì kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và xuất khẩu lại "nhạt màu" so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng 1 chỉ có 397 triệu USD vốn ĐTNN mới đăng ký và bổ sung vốn, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2013. Ngược lại, lượng vốn ĐTNN thực hiện trong tháng đạt 465 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ, trở thành "điểm cộng", góp phần làm giảm bớt mối lo ngại về lĩnh vực này.
Lĩnh vực du lịch tiếp tục gia tăng ở hầu hết thị trường khách và được ghi nhận là nguồn thu ngoại tệ thông qua xuất khẩu dịch vụ tại chỗ. Trong tháng 1, Việt Nam đón hơn 776.000 lượt khách, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, trong số khách quốc tế có khá nhiều doanh nhân, nhà đầu tư kết hợp tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, những diễn biến sản xuất, kinh doanh trong tháng 1 không có gì bất ngờ hay khó hiểu. Thực tế cũng cho thấy, không có thời điểm đầu năm của năm nào mà kết quả phát triển kinh tế lại tăng mạnh và luôn "ấm" dần lên từ sau quý I, mà bứt phá rất mạnh từ sau quý II đến cuối năm. Vấn đề đặt ra là cần nhận diện rõ thực tế, có những biện pháp điều hành, đúng mức để bảo đảm sự tăng trưởng như chỉ tiêu kế hoạch. Xét một cách toàn diện, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn trong năm nay nhờ có nhiều thuận lợi về thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, thời cơ thu hút vốn ĐTNN thông qua một số dự án lớn, có công nghệ và tỷ trọng xuất khẩu cao nhờ sự cải thiện liên tục về môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như làn sóng chuyển dịch địa bàn đầu tư của giới đầu tư quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.