Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồng bềnh du lịch đường sông

Tuệ Diễm| 25/11/2016 06:43

(HNM) - Du lịch đường sông của TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng là sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhưng chưa thể phát triển tương xứng. Kinh doanh du lịch đường sông gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp liên tục giảm, từ 37 công ty nay chỉ còn 19 công ty, số tàu du lịch cũng giảm từ 130 xuống còn 100 tàu.


Du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh đang gặp không ít khó khăn. Ảnh: QUANG ĐỊNH


Hoạt động cầm chừng

TP Hồ Chí Minh có hệ thống kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài 1.000km được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Với ưu thế này, thành phố có thể phát triển du lịch đường sông trở thành một "đặc sản" của thành phố mang tên Bác. Thế nhưng, nhiều tour đưa khách du ngoạn sông Sài Gòn từ năm 2011 đến nay đã ngưng hoạt động, chỉ một số doanh nghiệp nỗ lực khai thác, nhưng lại rơi vào tình trạng cầm chừng. Điển hình, tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn lúc mới khai trương (năm 2011) có tới 10 tàu đầy khách hoạt động mỗi ngày, nhưng hiện nay đã đóng cửa. Nguyên nhân là do ban đầu tour này đón khách tại bến Bạch Đằng rồi đưa khách tỏa ra xung quanh thành phố bằng các tuyến kênh rạch, tuy nhiên sau khi bến Bạch Đằng phải di dời thì tour không đón được khách nên đã ngưng khai thác.

Tương tự, từ tháng 6-2013, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã giới thiệu 7 tour đường sông theo các tuyến Thanh Đa, Đại lộ Đông Tây, Phú Mỹ Hưng, Địa đạo Củ Chi, Nhà vườn quận 9, tuyến tham quan Cần Giờ, tuyến từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ... Để khai thác, phía công ty đã đầu tư nhiều tàu du lịch cùng 4 ca nô 16 chỗ ngồi cho du khách khám phá sông Sài Gòn cùng 1 tàu nhà hàng sức chứa trên 500 khách. Thế nhưng, hiện đơn vị này phải thanh lý 2 tàu gỗ, một số tàu neo đậu tại Bình Qưới 2 đang chờ bán. Ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch HĐQT Saigontourist cho biết: “Dù cố gắng nhưng kinh doanh du lịch đường sông của chúng tôi không đạt được kết quả tốt. Khách chủ yếu chỉ sử dụng tàu nhà hàng ban đêm để dùng tiệc tối trên sông, còn tour ngắm sông thì hầu như vắng khách”.

Theo các doanh nghiệp du lịch, việc kinh doanh du lịch đường sông gặp khó khăn, dẫn đến hoạt động cầm chừng vì nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là hệ thống bến tàu đón khách chưa hợp lý. Ông Phạm Huy Bình nhấn mạnh: “Trước đây Saigontourist được giao quản lý Công viên bến Bạch Đằng là điểm nhận khách du lịch đường sông, tuy nhiên bến Bạch Đằng hiện không được khai thác, bến tàu phải dời về Khu du lịch Tân Cảng khá xa trung tâm, vị trí chưa thuận đường đi lại dẫn đến phát sinh chi phí đưa đón khách đã làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch đường sông”. Phía Công ty Thuyền Sài Gòn đầu tư vào khai thác tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè phản ánh, việc kinh doanh du lịch trên kênh này gặp nhiều trở ngại như người dân vẫn đổ rác xuống kênh hằng ngày; ven bờ kênh đoạn xa trung tâm thì tối nên cảnh quan chưa đẹp, chưa tạo được sự hấp dẫn.

Cho phép doanh nghiệp đầu tư

Mới đây, các doanh nghiệp du lịch và đại diện UBND thành phố cùng các sở, ngành liên quan đã ngồi lại tìm phương án giải cứu du lịch đường sông. Tại đây, các doanh nghiệp đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh cho họ đầu tư vào du lịch đường sông bài bản và đậm bản sắc bằng cách đổi lấy quỹ đất thì mới kỳ vọng thay đổi. Bởi cách làm trước đấy rất manh mún.

Bà Dương Thanh Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy cho biết, đơn vị đang xin đầu tư vào dự án “Góc Sài Gòn” tại rạch Bến Nghé - Tàu Hũ với kỳ vọng giới thiệu cho du khách du lịch đường sông sẽ đi qua các di tích lịch sử như cầu Mống, cầu Khánh Hội, bến Nhà Rồng. Đơn vị này sẽ tái tạo mô hình chợ nổi, khu dịch vụ trên sông ở TP Hồ Chí Minh để tăng thêm sức hấp dẫn cho du khách. Ông Trần Song Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Greenlines đề xuất triển khai dịch vụ taxi trên sông (thuyền chở khách hoạt động như dịch vụ taxi). Theo ông Hải, hiện nay TP Hồ Chí Minh có hàng loạt tòa nhà, khu dân cư cao cấp ven sông ở khu vực xa trung tâm, thay vì đi đường bộ di chuyển về trung tâm thành phố mất hơn 1 giờ đồng hồ, thì đi xuồng trên sông chỉ mất 10 phút. Nếu triển khai được dịch vụ taxi trên sông thì khách du lịch cũng có thêm cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Sài Gòn với giá tốt.

Nói về đề xuất này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đánh giá cao ý tưởng phát triển giao thông đường thủy: “Mỗi ngày, hệ thống giao thông đường bộ thành phố vận chuyển hơn 1 triệu lượt, trong khi đó  11 tháng qua giao thông đường thủy chỉ có 233.000 lượt khách. Đây là một con số quá khiêm tốn. Nếu giao thông đường thủy phát triển thì du lịch đường sông cũng phát triển và giảm được áp lực cho tình trạng kẹt xe kéo dài ở nội thành”. Trước các ý kiến, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Sở Du lịch thành phố gấp rút triển khai đề án du lịch đường sông, nhằm thực hiện mục tiêu biến du lịch đường sông thành đặc sản du lịch riêng biệt của TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồng bềnh du lịch đường sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.