Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bốn nhiệm vụ trọng tâm thực hiện “Năm an toàn giao thông 2018”

Minh Hương| 03/01/2018 10:56

(HNMO) - Để thực hiện “Năm an toàn giao thông 2018”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp chính quyền của thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Phát biểu tại lễ ra quân “Năm an toàn giao thông 2018” và cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 diễn ra sáng nay (3-1), Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cấp chính quyền của thành phố khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả bốn nhiệm vụ trọng tâm.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ ra quân “Năm an toàn giao thông 2018”.


Một là, tập trung bám sát chủ đề do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và thành phố phát động để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, có gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố trong việc đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông với một số chỉ tiêu chính, gồm: Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; tiếp tục kiềm chế giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt so với năm 2017 (trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương), giảm tối thiểu 5% tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải; tiếp tục giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; thực hiện nghiêm túc công điện số 1882 ngày 08-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT trong dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018; trong công tác quản lý vận tải cần chú ý nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, đổi mới phương thức bán vé, ngăn chặn đầu cơ vé và tăng giá vé, bố trí phân luồng, tuyến hoạt động ra - vào các bến xe hợp lý, khoa học; xử lý nghiêm tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, chở quá số người quy định, vòng vo đón trả khách, dừng, đỗ sai quy định; hạn chế hiện tượng ùn ứ hành khách tại các bến xe, tăng cường công tác bảo đảm ATGT đường sắt, đường thủy nội địa, nhất là các bến khách ngang sông, đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý xe quá khổ, quá tải trọng cho phép, đảm bảo độ bền của công trình giao thông.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng theo mục tiêu của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND thành phố thông qua; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Ba là, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện thường xuyên, đồng bộ các biện pháp, giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để đánh giá đúng nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài. Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát khu vực, Công an xã, các lực lượng tự quản,... cần tăng cường hiệp đồng phối hợp, tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.

Bốn là, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố; phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, các sở, ban, ngành của thành phố và các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông Vận tải trong công tác tổ chức giao thông, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; giải tỏa kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ; mở đường ngang trái phép;… chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường; tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về luật giao thông đến phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, khu dân cư, từng hộ gia đình; phát động phong trào toàn dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT. Trước mắt tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự ATGT trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bốn nhiệm vụ trọng tâm thực hiện “Năm an toàn giao thông 2018”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.