Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bốn giải pháp ổn định thị trường tiền tệ

Thủy Hương| 18/10/2011 15:35

(HNMO) - Dựa trên tình hình hoạt động thị trường tiền tệ trong thời gian qua, ngày 17/10, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định thị trường.


Thứ nhất: Giảm lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn trên 1 tháng đối với các tổ chức kinh tế xuống 10%/năm.

Theo VAFI, hiện tiền gửi VND của các tổ chức chiếm khoảng 40% trong cơ cấu tiền gửi VND. Đây là khoản tiền không nhỏ và hết sức có ý nghĩa trong việc kiểm soát lãi suất cho vay trong điều kiện tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức không quá 20% của toàn hệ thống.

Giải pháp này sẽ giảm đáng kể lãi suất huy động đầu vào, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đang quá cao (phổ biến là 20%/- 25%/ năm); tạo điều kiện giảm các loại lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng và là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước ban hành mức trần lãi suất cho vay; đồng thời góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.

Ảnh minh họa


Trong thời điểm hiện nay, nếu giảm lãi suất tiền gửi VND với đối tượng cá nhân là chưa khả thi vì dòng vốn này có thể sẽ bị phân bổ vào các kênh khác như đầu tư vàng, ngoại tệ. “Tuy nhiên, đối với tổ chức thì không đáng ngại vì tiền gửi của các tổ chức trong giai đoạn hiện nay phần lớn là dòng tiền ngắn hạn, hơn nữa mức lãi suất 10%/năm cũng là mức lãi suất hấp dẫn.”-Hiệp hội này cho hay.

Thứ hai: Khống chế trần lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng ở mức 16%/năm

Theo lý giải của VAFI, khống chế lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ làm cho việc huy động vốn của khối ngân hàng nhỏ bớt căng thẳng, đi vào ổn định và từ đó làm cơ sở để hạ lãi suất tín dụng đầu ra cho toàn bộ hệ thống.

Thứ ba: Áp dụng lãi suất huy động 0/%/năm đối với tiền gửi ngoại tệ và với vàng

VAFI cho rằng, biện pháp này sẽ có tác động tác động tiêu cực không đáng kể, bởi còn nhớ, hồi tháng 3/2011, khi chuẩn bị ban hành qui định khống chế tiền gửi USD ở mức không quá 3%/năm, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Giàu còn e ngại lượng kiều hối sẽ giảm hoặc có ý kiến cho rằng lượng USD sẽ bị rút và cất ở nhà, tuy nhiên thực tế không phải như vậy, chính sách này đã góp phần cơ bản để Ngân hàng Nhà nước mua được khoảng 6 tỷ USD chỉ trong vòng 4 tháng.

Biện pháp này có tác động tiêu cực là kích thích doanh nghiệp tăng cường vay USD, nhưng tác động tiêu cực này sẽ hoàn toàn bị kiểm soát khi Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ra qui định giới hạn đối tượng được vay ngoại tệ, chỉ cho phép doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh xuất khẩu được vay ngoại tệ trong phạm vi hoạt động xuất khẩu; tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với huy động ngoại tệ .

Vì vậy, theo Hiệp hội, giải pháp này cần sớm được ban hành nhằm bảo vệ và nâng cao vị thế VND; tạo sức hấp dẫn của mức lãi suất 10%-14%/năm, tăng cường thu hút VND vào hệ thống ngân hàng thương mại; từ đó góp phần bình ổn tỷ giá, chống vàng hóa và đô la hóa;

Thứ tư: Khống chế trần lãi suất cho vay ở mức 19%/năm

Nếu thực hiện đồng bộ 4 giải pháp này, VAFI cho rằng, cung tiền sẽ không tăng so với thời điểm hiện nay và lạm phát dịu đi vì khắc phục được tình trạng sản xuất đình đốn và cầm chừng; đồng thời, doanh nghiệp sẽ "dễ thở" hơn với mức lãi suất 17-19%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn giải pháp ổn định thị trường tiền tệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.