(HNMCT) - Sáng ngày đầu tuần, do có việc trong Hà Đông nên tôi rời khỏi nhà khá sớm, và để tránh “lô cốt” chỗ ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh (đang bị rào lại phục vụ thi công đường Vành đai 2 trên cao), tôi đi theo đường Lê Trọng Tấn để ra Trường Chinh rồi đến Ngã Tư Sở… Mới hơn 7h mà đường Lê Trọng Tấn đã đông nghẹt. Càng đến gần ngã tư giao cắt với đường Trường Chinh càng ùn ứ, dòng phương tiện phải nhích từng mét. Đáng nói là lẽ ra phải xếp hàng chờ đèn đỏ thì rất nhiều ô tô, xe máy từ phía sau lại vọt lên, lấn sang làn đường ngược chiều, khiến ùn tắc càng nghiêm trọng...
Thực ra chuyện ùn tắc tại các giao lộ vào giờ cao điểm không phải là chuyện lạ ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn ở nước ta, nhất là trong bối cảnh nhịp sống xã hội đã “bình thường mới”... như cũ. Nguyên nhân chính thì ai cũng rõ, đó là đô thị hóa nhanh, mạnh kéo theo “bùng nổ” dân số, dẫn đến sự gia tăng thiếu kiểm soát các phương tiện giao thông cá nhân, trong khi hạ tầng cũng như mạng lưới vận tải hành khách công cộng lại chưa thể đáp ứng.
Nhưng có lẽ giao thông đã không tệ đến như thế nếu không có tình trạng khá nhiều người điều khiển phương tiện coi thường pháp luật, không chấp hành các quy định về giao thông và ứng xử kém văn hóa khi tham gia giao thông. Trong cuộc sống hằng ngày, dễ bắt gặp tình trạng ô tô, xe máy vượt đèn đỏ, lấn làn, ô tô đi vào làn xe máy, xe máy ken vào làn ô tô, chạy quá tốc độ, chuyển làn không bật xi nhan, dừng đỗ xe ở nơi cấm dừng đỗ, thậm chí đi cả vào đường ngược chiều...
Trên các tuyến đường cao tốc cũng dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc ô tô, chủ yếu là xe tải, xe khách chạy rề rà quá mức trên làn đường cho phép chạy tốc độ cao, không hiểu do vô ý hay cố tình cản trở việc lưu thông của các phương tiện khác, cũng không chịu chuyển sang làn tốc độ thấp hơn bất chấp các xe chạy phía sau liên tục ra tín hiệu xin đường… Thế nên ùn tắc, va quệt, dẫn đến cãi vã, đánh lộn là khó tránh, chưa nói đến việc có thể gây tai nạn.
Trên một diễn đàn mạng xã hội nổi tiếng liên quan đến ô tô có số thành viên lên tới hàng trăm nghìn người cũng thường xuyên đăng bài viết hoặc hình ảnh dẫn chứng cụ thể về thói ứng xử kém văn hóa, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người điều khiển phương tiện. Mỗi bài viết, hình ảnh như vậy lại kèm theo hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bình luận, phần lớn là phê phán gay gắt.
Rõ ràng, bên cạnh những bất cập về hạ tầng cũng như mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thì sự yếu kém trong đạo đức, ứng xử của một bộ phận (không hề ít) người điều khiển phương tiện cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc, tai nạn. Trên thực tế thì các cơ sở đào tạo lái xe đều có giáo trình đạo đức lái xe, văn hóa giao thông, song dường như phần lớn chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng mà xem nhẹ việc rèn giũa ý thức chấp hành pháp luật cũng như bồi dưỡng đạo đức, văn hóa ứng xử cho học viên. Và như một chuyên gia văn hóa đã nhận định: Ở đây vấn đề không phải chỉ là đi nhanh hay chậm, mà còn là tâm lý muốn giành lấy thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người khác. Đó là nếp sống, lối sống. Điều đó còn sâu xa hơn cả văn hóa giao thông. Điều đáng buồn là ai cũng cố nhoài lên trước, lấn át người khác nhưng dường như không ai thấy xấu hổ cả.
Một xã hội dù phát triển phồn hoa, hiện đại đến mấy cũng không thể được xem là văn minh, đáng sống nếu vẫn hiện hữu một cách khá phổ biến những hành vi, ứng xử coi thường pháp luật, xem nhẹ lợi ích cộng đồng. Bởi thế, để kiềm chế, giảm thiểu ùn tắc cũng như tai nạn giao thông, qua đó góp phần xây dựng xã hội văn minh, bên cạnh những giải pháp mạnh tay liên quan đến công việc quản lý, điều tiết phương tiện thì công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm bồi đắp ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa, trong đó có văn hóa giao thông, qua đó hình thành, bồi đắp nhân cách cao đẹp cho mỗi công dân rất cần được tăng cường, duy trì ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhà trường, ngoài xã hội và đặc biệt là từ mỗi gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.