Theo Cục Y tế dự phòng: Trước mắt, những người có nguy cơ mắc bệnh tại ổ dịch cần được uống kháng sinh dự phòng và nhập viện kịp thời.
Trước việc tỉnh Bình Phước phát hiện ổ dịch bạch hầu khiến 3 người tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đang khẩn cấp bố trí nguồn vắc xin bạch hầu cho tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao trong vùng có dịch bạch hầu tại Bình Phước.
Một trong những bệnh nhân đang điều trị bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (ảnh: Thanh Niên) |
Ổ dịch bạch hầu xảy ra tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước khiến 3 người tử vong và ghi nhận 26 người đang có triệu chứng của bệnh. Theo Cục Y tế dự phòng: Trước mắt, những người có nguy cơ mắc bệnh tại ổ dịch vừa nêu cần được uống kháng sinh dự phòng và nhập viện kịp thời.
Hiện Viện Pasteur TP HCM khẩn trương hỗ trợ địa phương giám sát, khống chế và lên kế hoạch tiêm vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao.
Vắc xin được huy động từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế, dành riêng cho chống dịch, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên (khác với vắc xin bạch hầu đang được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm cho 2 đến 4 tháng tuổi).
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Đây là bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh, gây biến chứng viêm cơ tim khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị sớm, kịp thời. Bệnh cũng rất dễ gây dịch trên diện rộng bởi vi khuẩn gây bệnh lây qua đường hô hấp, trong khi đó, nhiều người lành mang trùng không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn là ngồn lây ra cộng đồng.
Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Để đảm bảo miễn dịch bền vững, cần cho trẻ tiêm đủ 3 mũi vắc xin khi được 2,3 và 4 tháng tuổi. Mũi thứ 4 tiêm nhắc lại khi được 18 tháng tuổi. Trường hợp trì hoãn tiêm, trẻ cần được tiêm bù theo hướng dẫn của nhân viên tiêm chủng./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.