Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Xây dựng lấy ý kiến về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn

Dạ Khánh| 25/11/2022 19:31

(HNMO) - Chiều 25-11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch cấp quốc gia thuộc Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng.

Việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Để phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã ban hành các chương trình, mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để định hướng xây dựng chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm trong thời kỳ mới.

Các vấn đề chính trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn toàn quốc cần được rà soát, nghiên cứu định hướng để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát, quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển đất nước trong thời gian tới.

Với ngành Xây dựng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để ngành Xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn.

Đây cũng là cơ sở để ngành Xây dựng triển khai xây dựng hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, vị thế của Việt Nam trong bối cảnh trong nước và quốc tế những năm qua đã có những thay đổi to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc định hình cục diện mới.

Việt Nam còn có vị trí địa - kinh tế - chính trị quan trọng; nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới; là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á, có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực.

Hầu hết các đại biểu cho rằng, trong gần 35 năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, nhất là về kinh tế.

Đặc biệt, trong 2 năm qua, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, song với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.

Những thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam song hành với quá trình đô thị hóa và chuyển đổi không gian, gắn liền với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đất đai, dân số và phúc lợi xã hội. Theo đó, không gian kinh tế chuyển đổi nhanh chóng bởi sự tăng trưởng các khu vực công nghiệp và dịch vụ trên phạm vi lãnh thổ, hiện đóng góp khoảng 85% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hóa của Việt Nam là tính kinh tế tích tụ yếu và khó có khả năng chuyển sang các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn; thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị; phát triển không gian dàn trải…

Theo các đại biểu, đô thị hóa Việt Nam là quá trình tất yếu và được coi là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã trở thành các trụ cột phát triển của đất nước và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Xây dựng lấy ý kiến về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.