Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, ngành giao thông sẽ mất 2-3 năm để xây dựng đề án khả thi và hoàn thành công tác chuẩn bị, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/6, ngay sau khi chủ trương xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được thông qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết bước tiếp theo của dự án sẽ là lập báo cáo khả thi, để Chính phủ trình lại Quốc hội quyết định trước khi bước vào xây dựng.
“Nghị quyết Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo trước khi quyết định đầu tư”, Bộ trưởng Giao thông nói. Ngoài ra, tình hình thực hiện dự án sau đó cũng sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội hằng năm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Giang Huy |
Bộ trưởng cho biết sẽ chọn đơn vị lập báo cáo khả thi thông qua đấu thầu quốc tế, không phụ thuộc vào nhà tài trợ, nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho dự án để đảm bảo tính khách quan và giá hợp lý. Chủ trương này được đưa ra sau nhiều vụ việc liên quan đến các dự án sử dụng ODA, khi cơ quan quản lý không thể thay nhà thầu yếu kém vì ràng buộc vay vốn.
"Dự kiến Quốc hội sẽ dành 1-2 kỳ họp để bàn luận và thông qua báo cáo khả thi. Như vậy, nhanh nhất cũng cần 2-3 năm cho việc chuẩn bị. Sớm nhất 2018 mới có thể triển khai thi công", ông nói.
Phiên biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành diễn ra sáng nay, với tỷ lệ tán thành cao. Trong số 461 đại biểu tham gia, 428 ý kiến đồng ý, 17 không đồng ý, 16 bỏ phiếu trống.
Theo kế hoạch của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), được đánh giá là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.