Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới: Chuẩn mới, cần cách làm mới

Nguyễn Mai| 18/11/2016 06:36

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Bộ tiêu chí quốc gia (Bộ tiêu chí) về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 gồm 19 tiêu chí thống nhất thực hiện trong toàn quốc.


Năm 2016, công tác chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn theo Bộ tiêu chí cũ.


Nhiều điểm mới

Điểm rõ nhất, Bộ tiêu chí mới ban hành tăng thêm 10 chỉ tiêu (từ 39 lên 49 chỉ tiêu) so với Bộ tiêu chí cũ và nội dung các tiêu chí cũng có sự điều chỉnh. Ví như tiêu chí giao thông gồm các nội dung: Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường trục thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp ít nhất được cứng hóa, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm tính kết nối của hệ thống giao thông trên địa bàn. Trước đây, Bộ tiêu chí cũ chỉ quy định: Đường giao thông trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng tính điểm dựa vào tỷ lệ được nhựa hóa, bê tông hóa theo quy định “cứng”.

Tương tự, về thủy lợi, Bộ tiêu chí mới chỉ rõ, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể theo hướng bảo đảm mục tiêu tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững…

Đáng chú ý, tiêu chí môi trường tăng thêm 3 chỉ tiêu so với tiêu chí cũ gồm: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Phân tích chỉ tiêu này, Chánh Văn phòng Điều phối trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Như vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm được tính đến từng hộ dân. Có nghĩa là, chỉ một hộ sản xuất, kinh doanh chưa tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến phong trào của cả xã”.

Bộ tiêu chí mới cũng đặt ra vấn đề nghiên cứu, chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu đối với các xã đã hoàn thành xây dựng NTM. Đề xuất các tiêu chí nâng cao chất lượng đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tiêu chí xây dựng mô hình xã NTM kiểu mẫu...

Vẫn chấm điểm theo Bộ tiêu chí cũ

Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho rằng: An toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề “nóng”, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Theo Bộ tiêu chí mới ban hành, tiêu chí môi trường tuy khó thực hiện trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, nhưng đây là việc cần phải làm quyết liệt để tạo sự chuyển biến. Trong khi theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn: Năm 2016, Thạch Thất đặt mục tiêu có thêm 2 xã được nhận NTM và huyện phấn đấu đến hết năm 2017, 100% số xã đạt chuẩn NTM. Nắm bắt quy định mới, huyện Thạch Thất sẽ có bước đi, cách làm bài bản, phù hợp để áp dụng vào xây dựng NTM tại địa phương.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Lê Thiết Cương đánh giá: Theo Bộ tiêu chí mới, xây dựng NTM đặt ra yêu cầu, đòi hỏi khá cao, đơn cử như về thu nhập bình quân khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên; hoặc trong xây dựng NTM, xã để xảy ra trọng án… là mất danh hiệu NTM. Bởi vậy, công việc xây dựng NTM duy trì thường xuyên, liên tục, kể cả xã đã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội đã cập nhật đầy đủ văn bản của Trung ương, tiến tới triển khai tập huấn tới đội ngũ cán bộ làm NTM từ thành phố đến cơ sở.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2016 thay thế cho bộ tiêu chí cũ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ NN&PTNT đang trong quá trình tổng hợp hướng dẫn của bộ, ngành liên quan để ban hành cẩm nang, tài liệu thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội “bám” vào hướng dẫn của Trung ương để triển khai. Trước mắt, công tác chấm điểm xã đạt chuẩn NTM của thành phố năm 2016 vẫn chấm điểm theo Bộ tiêu chí cũ. Ngoài ra, Hà Nội còn có thêm 2 chỉ tiêu phụ là: Không để nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.

Năm 2016, Hà Nội phấn đấu có 35 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, đã có 61 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành. Trên thực tế kiểm tra đã có 56/61 xã có khả năng sẽ hoàn thành xây dựng NTM. Dự kiến, vào tháng 12-2016, Hà Nội sẽ triển khai đánh giá, chấm điểm NTM đối với các xã này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới: Chuẩn mới, cần cách làm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.