(HNMO) - Chiều 23-5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. |
Tổng TKNN Hồ Đức Phớc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 bao gồm 3 điều, cụ thể:
- Điều 1 quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung; các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của Luật KTNN năm 2015;
- Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản;
- Điều 3 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Đáng lưu ý, dự án luật đã bổ sung khoản 6a Điều 10; khoản 2a Điều 11; khoản 4 Điều 30; khoản 2 Điều 46; khoản 3 Điều 71 để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu căn cứ pháp lý và kinh nghiệm quốc tế cho việc bổ sung quyền xác minh hồ sơ, tài liệu và yêu cầu người có liên quan có mặt giải trình để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Tổng KTNN quy định cụ thể các biện pháp xác minh để làm rõ và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban thống nhất bổ sung vào Luật KTNN một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong việc phòng, chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. |
Tuy nhiên, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật KTNN đã quy định nhiều điều khoản để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nên cần rà soát các điều khoản dự thảo luật đang bổ sung để hạn chế tối đa việc dẫn chiếu lại các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, dẫn đến trùng lặp, không cần thiết.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Ban soạn thảo bám sát các nội dung quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng để cụ thể hóa trong dự án luật các quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan KTNN; cụ thể hóa các nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng dẫn chiếu là thực hiện theo pháp luật về kiểm toán.
Sau khi nghe tờ trình cùng báo cáo thẩm tra tại hội trường, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.