Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồ Đào Nha: Trước đoạn đường chông gai

Vân Khanh| 08/04/2011 06:45

(HNM) - Bất chấp sự phản đối của Quốc hội Bồ Đào Nha với gói cắt giảm chi tiêu như một cố gắng cuối cùng từng dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ quốc gia Tây Nam Âu vào cuối tháng trước, Lisbon vừa bất ngờ chính thức xin cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) hôm 6-4.

Quyết định trở thành "con nợ" với các điều kiện cho vay cực kỳ khắc nghiệt để có được "chiếc phao cứu hộ" trị giá khoảng 80 tỷ euro (115 tỷ USD) của Bồ Đào Nha không gây ngạc nhiên lẫn hoảng loạn trên thị trường. Thậm chí, kết cục này được đánh giá là một bước đi có trách nhiệm của chính phủ Thủ tướng tạm quyền Jose Socrates trong bối cảnh hiện nay. Tin Bồ Đào Nha chính thức trở thành nạn nhân mới nhất của cơn lốc xoáy nợ công - sau Hy Lạp và Ireland - đánh dấu một cấp độ mới của cuộc khủng hoảng đang làm châu Âu điêu đứng. Song ở góc độ khác, Lục địa già giờ đây có thể vợi bớt gánh lo khi sự ngoảnh mặt làm ngơ của xứ Bồ trước các kêu gọi giúp đỡ của liên minh từng được cho là sẽ gây tai họa cho các nỗ lực dập dịch "nợ nần" đang có cơ lây lan.

Dù người dân phản đối các chính sách cắt giảm chi tiêu, Bồ Đào Nha vẫn phải chấp nhận xin giải cứu từ EU.

Vẫn biết rằng chấp nhận đi vay là đồng nghĩa với thừa nhận thất bại của chính phủ trong quyết tâm bịt lỗ hổng kinh tế và lấy lại cân bằng ngân sách, thế nhưng, đây là lối thoát hiểm duy nhất được Lisbon chọn lựa khi đã bước vào ngõ cụt tài chính. Uy tín của quốc gia được đánh giá là nghèo nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã tụt hạng thê thảm khi vừa bị tổ chức định mức tín nhiệm Fitch hạ xếp hạng tín dụng một mạch 3 bậc, từ A- xuống BBB. Niềm tin thanh khoản của xứ Bồ cũng không khá hơn trong mắt các nhà đầu tư và bằng chứng là Lisbon đã phải ngậm đắng nuốt cay vay nặng lãi với mức 8% trong vòng 10 năm, hay 4,3% cho khoản vay ngắn hạn trong khi tỉ lệ này đối với nước Đức chỉ là 1,1%. Một thực tế không thể chối bỏ là Lisbon cần ít nhất 20 tỷ euro trong năm 2011 để thanh toán các khoản nợ, trong đó gấp gáp nhất là 4,5 tỷ euro phải trả trước ngày 15-4 và gần 5 tỷ euro nữa cho bản khế ước vay mượn phải thực hiện trước ngày 15-6. Ngược lại, cho dù đã xin cứu viện, người Bồ vẫn không thể chia tay với các biện pháp kiêng khem tài chính nghiêm ngặt, vừa bị các nghị sỹ bác bỏ, vốn được các lãnh đạo EU xác định là tối cần thiết trong giai đoạn chữa trị sắp tới, bên cạnh những quy định khắt khe để được trợ giúp.

Vấn đề còn ở chỗ, áp dụng các chính sách kinh tế không được lòng dân cộng thêm hỗ trợ bảo lãnh vỡ nợ từ EU không phải là phép thần để Bồ Đào Nha có thể lập tức thay da đổi thịt. Hàng loạt thách thức về xã hội lẫn kinh tế mà những người đồng nhiệm Athens và Dublin trải qua trong thời "hậu giải cứu" cho thấy một đoạn đường đầy chông gai đã ở ngay phía trước xứ Bồ. Trong khi thâm hụt ngân sách vẫn ở giới hạn có thể chấp nhận được là 80% GDP so với mức 130% GDP của Hy Lạp, Bồ Đào Nha chỉ tăng trưởng 1,3% trong suốt thời gian từ năm 2000 đến 2008, không thể so sánh với tỉ lệ 4% của Hy Lạp và 5% của Ireland. Vì thế, thực hiện những cải cách để cởi trói nền kinh tế được xếp vào hàng kém cỏi nhất và có sức cạnh tranh yếu nhất trong Eurozone - kém Đức đến 24% - của Bồ Đào Nha là lựa chọn không thể khác để có thể dẫn đất nước Tây Nam Âu bước vào cuộc hưng thịnh mới. Đương nhiên, hành trình tái cơ cấu nền kinh tế Bồ Đào Nha bị coi là lạc hậu tại Cựu lục địa khi quá trung thành với các ngành nghề truyền thống như công nghiệp dệt may - đang chịu nhiều sức ép từ các nhà sản xuất châu Á - là không dễ dàng. Nó đòi hỏi những hoạch định cụ thể từ các nền kinh tế mạnh trong EU lẫn quyết tâm vượt bậc của người trong cuộc.

Khó khăn kinh tế dễ dẫn đến đổ vỡ chính trị; đồng thời bế tắc trên chính trường sẽ trói chân các nỗ lực điều phối kinh tế của bất kỳ nội các nào. Bồ Đào Nha đang đứng trước vòng xoáy nguy hiểm này và trở thành ẩn số thử thách khả năng vượt khó của liên minh đồ sộ nhất thế giới - EU - đã bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu mang tính hệ thống dẫn đến những "cái chết" được báo trước nhưng khó tránh.

EU và IMF sẵn sàng cứu trợ Bồ Đào Nha

Nguồn tin Ủy ban châu Âu (EC) tối 7-4 cho biết, EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẵn sàng giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Hai bên dự tính số tiền cứu trợ Bồ Đào Nha vào khoảng 75 tỷ euro, có thể lên đến 90 tỷ euro. EC đang nỗ lực tìm cách thông qua gói cứu trợ dành cho Lisbon để có thể giải ngân khoản đầu tiên trước ngày Bồ Đào Nha tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 5-6 tới. Thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha ngay lập tức đã có phản ứng tích cực, với chỉ số chủ chốt tăng 1,5% trong các giao dịch đầu ngày.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồ Đào Nha: Trước đoạn đường chông gai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.