Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình ổn thị trường

Nữ Quỳnh| 22/02/2010 06:22

(HMM) - Hôm nay, bắt đầu ngày làm việc trở lại của tất cả các cơ quan, đơn vị, cũng có nghĩa là mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường sau một kỳ nghỉ Tết dài. Ít có Tết nào mà người lao động được nghỉ dài như năm nay.


Nghỉ nhiều, ai cũng vui. Nghỉ nhiều cũng là cơ hội để kích cầu, khi người dân có thời gian du xuân, mua sắm, tóm lại là để tiêu tiền. Giờ thì Tết cũng đã qua, nhưng dư âm về chuyện giá cả tăng ngất trời trong những ngày Tết vừa qua hẳn cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Sự thực là các mặt hàng thiết yếu thì Tết nào cũng tăng giá, có khi gấp 2-3 lần so với ngày thường. Nhiều người tiêu dùng cũng tặc lưỡi "Tết mà, có cao hơn một chút cũng chẳng sao". Ngay trong dịp Tết, bắt đầu từ hôm qua, một trong những mặt hàng thiết yếu nhất là xăng cũng đã chính thức tăng thêm suýt soát 600 đồng/lít.

Điều đáng nói là ngay từ trước Tết, Nhà nước đã chi 2.100 tỷ đồng cho các doanh nghiệp mượn (không lãi suất) để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết? Riêng Hà Nội tạm ứng vốn cho 12 doanh nghiệp với số tiền 250 tỷ đồng trong 5 tháng, lãi suất 0%.

Còn TP Hồ Chí Minh chi tới hơn 400 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp. Tuy vậy, có vẻ như chương trình bình ổn giá cả thị trường dịp Tết khó đến với người tiêu dùng, khi mà hàng hóa trên khắp thành thị đến nông thôn, vẫn miệt mài tăng giá cho đến tận ngày hôm qua.

Dĩ nhiên hơn hai ngàn tỷ đồng cho ổn định cả một thị trường ngót trăm triệu dân có thể chưa thấm tháp vào đâu. Song đáng nói là trước Tết, quan chức ngành tài chính tuyên bố, các doanh nghiệp được mượn tiền đã cam kết sẽ bán hàng thấp hơn giá thị trường 5-10%. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp, siêu thị được mượn tiền lại đóng cửa dịp Tết. Mà cho dù họ có mở cửa thì vai trò bình ổn thị trường chắc chắn cũng ít mang lại hiệu quả, vì thị trường luôn tuân theo quy luật của nó, tính chất ngang giá thường khá ổn định, tăng hay giảm cũng đều thống nhất đồng loạt. Nếu đơn vị được hỗ trợ vốn để bán rẻ hơn thì cũng chỉ là vài trăm đồng và chỉ hạn hẹp với một số mặt hàng. Đó là chưa kể, hệ thống bán lẻ được hỗ trợ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn nên không đủ lực để dẫn dắt thị trường. Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nhận định, với tổng số tiền hỗ trợ 422 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, đơn vị có thể quay vòng để tạo ra giá trị vốn khoảng 980 tỷ đồng.

Có thể thấy trong điều kiện hiện nay, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng về lâu dài không nên coi giải pháp này là cứu tinh vì nó sẽ vướng vào các nguyên tắc của cơ chế thị trường và các cam kết với WTO. Ngoài ra, việc chỉ có các doanh nghiệp lớn được hỗ trợ sẽ dễ khiến xảy ra cạnh tranh không lành mạnh. Trước mắt có thể áp dụng việc can thiệp, hỗ trợ để bình ổn giá cả, nhưng chỉ nên tập trung vào đầu nguồn, tức là hỗ trợ cho nhà sản xuất, khi họ cung cấp hàng giá rẻ thì hệ thống phân phối trung gian cũng bán giá rẻ, người tiêu dùng nhờ đó sẽ được hưởng lợi.

Đặc biệt chú ý, hiện nay chúng ta đang vận dụng việc quản lý giá với văn bản cao nhất là pháp lệnh còn nhiều điều chưa thực sự phù hợp. Việc cần thiết tới đây là nâng văn bản này lên thành luật để khẳng định bằng pháp lý việc tiếp tục thực hiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nhưng công khai để quản lý, điều hành giá cả, xác định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc bình ổn giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình ổn thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.