Tỉnh này đã mua lại và xóa một trạm thu phí, dừng kế hoạch lập hai trạm mới, đồng thời không kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại một trạm phu phí giao thông của các chủ đầu tư BOT rồi xóa bỏ trạm này. Ngoài ra, tỉnh cũng đang chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ thu phí hoàn vốn sang không thu phí.
Mua lại và xóa bỏ trạm thu phí
Việc mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) của UBND tỉnh Bình Dương từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương khiến cho các doanh nghiệp vận tải, tài xế cùng người dân không khỏi vui mừng. Đây là tuyến đường huyết mạch có lượng xe tải, xe container chở hàng đi vào các khu công nghiệp, cảng rất lớn như VSIP 1, ICD Tân Cảng - Sóng Thần… rất lớn. Đây còn là đường dẫn ra các đường đi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước.
Sau khi UBND tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí này thì tỉnh cho thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường dài khoảng 5,3 km. Theo đó, ngoài việc mở rộng, trên tuyến đường này còn xây bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3 km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỷ đồng, song khi dự án hoàn thành, Bình Dương vẫn không mở lại trạm thu phí.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đang đầu tư thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng khác với vốn đầu tư từng dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng dài hơn 64 km, là trục đường kết nối quan trọng của Bình Dương và của khu vực Đông Nam Bộ với vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hai tuyến đường ĐT 746, ĐT 747B cũng đang được mở rộng thành sáu làn xe với tổng chi phí gần 1.500 tỷ đồng.
Ban đầu UBND tỉnh Bình Dương chủ trương thực hiện các dự án theo hình thức BOT, nghĩa là sẽ thu phí để hoàn vốn đầu tư cho các dự án. Song khi dự án gần hoàn thành thì lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết định không thu phí để giảm áp lực về việc thu phí của các doanh nghiệp vận tải và người dân.
Trạm thu phí An Phú đã được xóa bỏ, tránh được ùn tắc giao thông. |
Cần vốn nhiều nhưng chưa kêu gọi BOT
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, nhu cầu vốn cho giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 253.648 tỷ đồng, bình quân hằng năm khoảng 50.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết ngoài việc mua Trạm thu phí An Phú để xóa bỏ, tỉnh cũng nghiên cứu các giải pháp huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
“Chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ở các dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2... Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và đi lại thuận lợi của người dân, doanh nghiệp” - ông Liêm nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, tỉnh có chủ trương đầu tư các tuyến đường với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng từ một phần vốn từ ngân sách và nguồn kêu gọi từ các doanh nghiệp đầu tư đang xây dựng phát triển đô thị, khu công nghiệp có tuyến đường đi qua. Đổi lại, tỉnh Bình Dương sẽ có các chính sách để đảm bảo hoàn lại vốn cho nhà đầu tư nhưng không phải bằng cách thu phí.
Như vậy, việc không thu phí sẽ không làm tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp nhưng việc đầu tư các tuyến đường này sẽ là nhân tố quan trọng cho các khu công nghiệp, đô thị trên địa bàn phát triển nhanh chóng.
“Nếu không lập trạm thu phí sẽ mất một nguồn thu ngân sách đáng kể. Tuy nhiên, việc bỏ bớt trạm thu phí sẽ tạo điều kiện không nhỏ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà máy các khu công nghiệp. Tôi mong muốn trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có trạm thu phí nào” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Tăng phí nhưng phải chi hàng trăm tỷ đồng HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua nghị quyết tăng mức phí trạm BOT đường ĐT741 nối tỉnh Bình Dương - Bình Phước. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm dự án này chỉnh tăng phí dù chủ đầu tư nhiều lần đề nghị. Mức phí sẽ tăng 5.000-20.000 đồng/lượt, tùy loại xe. Tuy vậy, chủ đầu tư phải bổ sung nhiều hạng mục ngoài hợp đồng BOT như hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước... với chi phí lên đến hàng trăm tỉ đồng. 13 là tổng số trạm thu phí giao thông ở Bình Dương hiện nay. Các trạm này thu phí hoàn vốn cho bảy dự án BOT giao thông. Hệ thống các trạm thu phí dày đặc khiến người dân than phiền, bức xúc khi tham gia giao thông trên các cung đường này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.