(HNM) - Bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển bền vững. Luật BĐG và Nghị quyết số 11-NQ/TƯ (NQ) của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về BĐG và công tác phụ nữ. Tuy vậy, để luật và nghị quyết đi vào cuộc sống, cần có sự thay đổi nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân.
Phụ nữ tham gia công tác Đảng, hoạt động xã hội và quản lý nhà nước là sự khẳng định về năng lực, trí tuệ của 51% lực lượng xã hội. Tuy nhiên, kết thúc đại hội Đảng các cấp vừa qua, số cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp vẫn chưa đạt tỷ lệ quy định. Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, từ nhiều nhiệm kỳ, Việt Nam đã có Phó Chủ tịch nước là nữ. Nhiều bộ, ngành có đông lao động nữ, nhưng chưa có nữ lãnh đạo chủ chốt. Nhìn chung, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt. Ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm. Nhiệm kỳ nào cũng đặt ra mục tiêu quan tâm và ưu tiên cán bộ nữ nhưng vẫn chưa đạt được.
Theo báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2010 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sự mất cân bằng giới đang ngày càng tăng trong thị trường lao động. Năm 2009, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 72,3%, thấp hơn so với nam là 8,7%. So với nam giới tương đương, phụ nữ khó kiếm việc làm hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Phụ nữ càng khó tìm được việc làm chính thức dẫn tới ít được hưởng những quyền gắn liền việc làm bền vững. Tỷ lệ việc làm bấp bênh ở nữ là 69,1%, cao hơn nam là 14,7% (ở mức 54,4%). Mặc dù công tác BĐG đã có nhiều tiến bộ trên toàn quốc, song tại nhiều vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ biết đọc, viết và được giáo dục vẫn còn nhiều khác biệt giữa nam và nữ…
Tại Diễn đàn Đối thoại BĐG (do Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng LHQ tại Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 9-3), Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm hoàn thiện luật pháp, chính sách BĐG, tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ. Ông cho biết, Chiến lược quốc gia BĐG giai đoạn 2011-2020, đẩy mạnh việc trao quyền cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, trong đó có giảm khoảng cách giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và chính trị. Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể đang đồng loạt xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược này.
Phát biểu tại hội nghị cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Rất cần có các dự án cụ thể về nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ để giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp… Công tác đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ nữ đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển, các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho phụ nữ, hệ thống các dịch vụ gia đình để hỗ trợ phụ nữ tham gia hoạt động xã hội… rất cần được quan tâm, phát triển.
Hiện nay, định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Trong gia đình và ngoài xã hội vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của phụ nữ… Vì vậy, công tác truyền thông nâng cao nhận thức, phá bỏ các rào cản văn hóa lạc hậu, dẫn tới thay đổi hành vi rất cần được chú trọng, nhất là ở các cấp lãnh đạo. Chính phủ cần có nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp, thiết thực cho các vùng, miền có chỉ số BĐG thấp.
Bên cạnh các giải pháp quyết liệt, việc thúc đẩy công tác cán bộ nữ cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và BĐG cần được nâng cao, đưa vào nội dung kiểm tra hằng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Nhưng trên hết, để giành được quyền BĐG chính đáng, phụ nữ phải nỗ lực rèn luyện, khẳng định phẩm chất, năng lực, vị trí, vai trò của mình trong mọi lĩnh vực; tránh tự ti, an phận, đố kỵ, những nhược điểm làm mất đi nhiều cơ hội của phụ nữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.