(HNM) - Làm nên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại không chỉ có các quân, binh chủng bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông…, mà còn có một binh chủng đặc biệt - “Binh chủng văn nghệ”.
Sáng tác trong mọi hoàn cảnh
Làm nên “Binh chủng văn nghệ” trên tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ là hàng nghìn nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên… Họ đồng thời là chiến sĩ, trực tiếp sống, chiến đấu, lao động, sáng tác và biểu diễn tại các mặt trận.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vừa giới thiệu về tập “5 trường ca” với đề tài về Trường Sơn, mà suốt bao năm ông theo đuổi. Xếp bút nghiên hành quân vào tuyến lửa từ năm 1971, trong Binh chủng Thông tin liên lạc, chiến sĩ thông tin Nguyễn Thụy Kha ngày ấy vừa làm công tác kỹ thuật, vừa tổ chức các đội tuyên truyền văn hóa biểu diễn dọc đường Trường Sơn. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể, bài hát đầu tiên ở Trường Sơn ông viết là “Người đồng chí ấy”, về sự hy sinh của một chiến sĩ trẻ. “Sau ngày đầu tiên hành quân xuyên rừng, chúng tôi nghỉ lại ở một tổ bảo vệ đường dây thông tin. Đêm ấy, tôi và một chiến sĩ trẻ ôm nhau ngủ để truyền hơi ấm, chống lại giá lạnh của rừng. Tảng sáng, cậu ấy đã lên đường băng sông, nối đoạn dây bị đứt, không may vướng phải mìn. Có lẽ, lý do để nhiều chiến sĩ Trường Sơn trở thành nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh bắt nguồn từ việc chứng kiến những tấm gương quả cảm như thế”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tâm sự.
Dành nửa cuộc đời để viết ca khúc về Trường Sơn, nhạc sĩ Đào Hữu Thi cho biết, ông là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân, vinh dự được cùng hai tiểu đoàn tên lửa đợt đầu vào chiến trường miền Nam. Có năng khiếu âm nhạc, sau giờ phút chiến đấu, ông lại viết bài hát, thường là trong hầm tối, dưới ánh lửa bập bùng hoặc đèn dầu làm bằng ống bơ. Bài hát khiến ông luôn xúc động khi nhớ lại là “Tình em gửi trọn con đường”. Nhạc sĩ viết ngay khi chứng kiến hai tiểu đoàn nữ bộ đội và thanh niên xung phong vừa xem biểu diễn văn nghệ xong, lên đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa đường, thì bất ngờ hứng chịu trận bom. Ông cầm bút, từng ca từ, nhịp điệu trào ra trong thổn thức, để sáng hôm sau tiễn đưa họ. Hay bài “Em là cô gái Trường Sơn” viết về sự tận tình của những cô nuôi quân, nữ quân y, lực lượng thông tin, được nhiều đoàn văn công, đội văn nghệ xin bản nhạc chép lại, hát khắp các chiến trường, đã thôi thúc ông tiếp tục sáng tác thêm nhiều ca khúc ý nghĩa…
Ngắm nhìn những ký họa một thời của mình vẽ dọc tuyến đường bỏng lửa Trường Sơn đang trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA trong những ngày kỷ niệm đáng nhớ này, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ hồi tưởng về thời gian trực tiếp tham gia trong lực lượng công binh mở đường 20 Quyết Thắng và các trọng điểm ở Trường Sơn. “Vẽ Trường Sơn ở góc độ nào cũng nên tranh, màu chỗ nào cũng phong phú. Từng con đường vòng vèo qua các địa hình hiểm trở, xoáy trôn ốc lên tận đỉnh núi được hình thành từ những bàn tay nhiệt huyết hay từng đoàn xe ta hiên ngang lao về phía Nam, với sự giúp sức của những người nâng xe, mở đường… Tôi say sưa vẽ lại tất cả những cảnh đó, rồi bày ở hậu cứ để anh em xem”, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ kể. Ông nhớ có lần tranh thủ vẽ đêm khi địch bớt bắn phá, ngồi trên những thanh gỗ mở đường giữa đất đá ngổn ngang, thật xúc động khi nhiều bộ đội đến xem, giúp soi đèn, giữ giấy, rồi còn hỗ trợ đào đất ta luy thay thế màu đã hết để hoàn thiện bức tranh. Vui nhất là khi mọi người xem tranh, trầm trồ: “Họa sĩ đã bốc cả thiên nhiên Trường Sơn vào tranh”...
Át tiếng đạn bom
Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi vẫn còn nhớ như in những ngày tháng tham gia Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam) đi dọc tuyến đường từ Bắc vào Nam, đem tiếng hát vút cao đến với bộ đội. Có chất giọng “trời cho” cùng việc được học hành bài bản trong và ngoài nước, nghệ sĩ Tường Vi thường sáng tạo thêm cho bài hát, để chúng hay hơn, thú vị hơn với người nghe. “Mỗi lần tôi hát giả tiếng chim trong bài “Cô gái vót chông”, bộ đội nồng nhiệt vỗ tay, yêu cầu hát đi hát lại”, nghệ sĩ Tường Vi kể. Theo nghệ sĩ Tường Vi, ngày ấy, ở đâu bà cũng có thể hát, có lúc sân khấu là 4 xe tải quây lại, ca sĩ đứng trên mui xe hát, có lúc trong hang đá, bom dội phía trên, thạch nhũ rơi vào miệng, nhưng vẫn không ngừng cất cao giọng. “Phải hát những bài tươi vui, sinh động như “Tiếng đàn Ta Lư”, “Cô gái vót chông”, “Xa khơi”, “Tháng ba Tây Nguyên”… mới giúp bộ đội phấn chấn tinh thần”, Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi chia sẻ.
Hưởng ứng lời cổ vũ xông pha nơi chiến trường để có thực tế sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Văn Dung còn nhớ rõ nhóm nhạc sĩ của mình, gồm các ông: Chu Minh, Hồng Đăng, Tân Huyền, An Chung… hăm hở khoác ba lô vào đường Trường Sơn mùa khô năm 1972. Ngay từ cửa ngõ, họ đã được các nữ thanh niên xung phong chỉ dẫn, tránh được trận bom địch trút xuống. Vào càng sâu càng nguy hiểm, nhưng xe của nhóm nhạc sĩ luôn được bảo vệ an toàn. Những lúc vắng máy bay địch, các thanh niên xung phong đề nghị họ hát những sáng tác mới. “Xe chở đoàn dừng lại, đất trời, cây cối phóng khoáng của Trường Sơn biến thành một sân khấu. Chúng tôi hát như chưa bao giờ từng hát, dành cho những người con gái nghị lực giữa Trường Sơn, bởi biết rằng có lẽ chỉ gặp một lần trong đời”, nhạc sĩ Văn Dung xúc động nói.
Khó có thể kể hết kỷ niệm của những văn nghệ sĩ một thời xông pha trong lửa đạn trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Những người đã nằm xuống, nhưng tác phẩm còn ở lại, sống mãi đến ngày hôm nay. Còn những người may mắn trở về thì “ngỡ như mình trở thành một phần máu thịt trong cơ thể Trường Sơn” (lời nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha), lúc nào cũng nhớ thương. Ngày ấy họ không tiếc máu xương, không sợ gian khổ tích cực sáng tác, biểu diễn, cổ vũ tinh thần quân dân. Bây giờ, họ vẫn không ngừng cống hiến, từ những ký ức về Trường Sơn, để truyền lửa cho thế hệ sau…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.