Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long| 20/02/2015 09:12

(HNM) - Năm Giáp Ngọ khép lại với sự kiện lịch sử 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Xuân Ất Mùi đang về với 40 năm Đại thắng mùa Xuân 1975. Từ Ất Dậu 1945 đến Ất Mão 1975, hai mốc lịch sử cách nhau 30 năm chứng kiến sự thăng hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc trường chinh


Trên chặng đường đó, tiếp nối mạch nguồn của những Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Ngọc Hồi - Đống Đa... Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng Xuân 1975 đã trở thành những mốc son chói lọi trong trang sử chống ngoại xâm.



Có lẽ kể từ sau khi khôi phục nền độc lập, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại phải tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt đến như vậy. 30 năm liên tục hàng triệu người Việt Nam đã bước vào cuộc trường chinh để bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ lý tưởng, mục tiêu cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân Việt Nam đã lựa chọn để đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối. Đã 40 mùa Xuân trôi qua kể từ ngày cuộc chiến kết thúc nhưng vẫn còn đó những câu hỏi: Vì sao dân tộc Việt Nam lại phải cầm súng và cầm súng lâu dài đến thế? Vì sao một nước nhỏ, kinh tế còn nghèo, vừa thoát khỏi ách thống trị của phong kiến, thực dân lại có thể đánh thắng hai đế quốc to, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên phạm vi thế giới? Dẫu còn nhiều cách lý giải khác nhau nhưng có một thực tế lịch sử không thể bàn cãi, đó là dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình nhưng đã buộc phải cầm súng chiến đấu khi không còn con đường nào khác. Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phải đương đầu với một dân tộc kiên cường, bất khuất, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm văn hiến, có bản lĩnh và trí tuệ; một dân tộc mang trong lòng khát vọng hòa bình nhưng là nền hòa bình thực sự trong độc lập, tự do; một dân tộc quả cảm được tổ chức và vũ trang toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Về điều này, trong hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mc.Namara đã có lý khi cho rằng, cả người Pháp và người Mỹ đều thua vì chưa hiểu hết tầng sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam, chưa đánh giá hết sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Việt Nam đã chiến thắng bằng bản lĩnh và trí tuệ, bằng văn hóa giữ nước được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc này.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Việt Nam vừa được hưởng nền độc lập chưa được bao lâu đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài suốt ba thập kỷ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Với tinh thần "Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi nhưng niềm vui của nhân dân Việt Nam vẫn chưa trọn khi đế quốc Mỹ nhảy vào thế chân Pháp, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam hòng chia cắt lâu dài đất nước. Để đất nước trọn niềm vui, non sông về một mối, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam lại tiếp tục tỏa sáng và thăng hoa với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", nhân dân Việt Nam đã phải đi tiếp chặng đường cam go kéo dài 21 năm, lần lượt đánh thắng 4 chiến lược chiến tranh, từ Chiến tranh đơn phương; Chiến tranh đặc biệt; Chiến tranh cục bộ đến Việt Nam hóa chiến tranh qua 6 đời tổng thống Mỹ. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã hóa thân vào những Đồng khởi 1960, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, "Điện Biên Phủ trên không" 1972, Tổng tiến công mùa Xuân 1975, để rồi tiếp tục tỏa sáng và thăng hoa.

Để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm (1945-1975), cả dân tộc Việt Nam đã cố kết thành một khối thống nhất vững bền, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác hồ kính yêu. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành mạch nguồn ngấm sâu vào ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do; vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của chế độ mới; vào sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; vào sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân; vào cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, biết thắng địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, cuối cùng đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp và chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những bài học được đúc kết từ cuộc trường chinh vệ quốc 30 năm đau thương, mất mát và rất đỗi hào hùng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong đó đặc biệt là bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; bài học về nâng cao sức chiến đấu, phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm, chúng ta đã động viên và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả nước để giành thắng lợi trước những kẻ thù hung bạo có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội.

Có thể khẳng định, không có chủ nghĩa anh hùng cách mạng thì không thể có Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 cũng như không thể có Đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm "mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của Thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"(1).
- - - - - - -

(1) Đảng CSVN: Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV. Nxb Sự thật. H. 1977. Tr.5.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.