Thế giới

Biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu: Tác động tiêu cực đến kinh tế

Thùy Dương 05/02/2024 - 07:41

Biểu tình của nông dân diễn ra ở Pháp, Đức, Ba Lan, Romania, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ... trong những ngày gần đây để phản đối việc không được trả đủ lương, bị bóp nghẹt bởi các quy định bảo vệ môi trường và bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine cùng những quốc gia khác. Việc này được nhận định có nguy cơ trở thành khủng hoảng kéo dài, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của "cựu Lục địa".

bieu-tinh.jpg
Nông dân Bỉ chặn đường vào Cảng Zeebruge. Ảnh: EPA

Trong khi nông dân Pháp bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau khi chính phủ nước này có thêm nhượng bộ thì nông dân Bỉ và Hà Lan lại chặn các cửa khẩu biên giới đường cao tốc. Tại Bỉ, hơn 1.000 máy kéo chặn các đường phố của khu Nghị viện châu Âu trong khi hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về ngân sách đang diễn ra. Tương tự, nhiều nước EU khác như Italia, Hy lạp, Tây Ban Nha cũng đang chứng kiến các cuộc biểu tình ngày một rầm rộ của nông dân.

Mặc dù nông dân khắp châu lục đều chia sẻ những bất bình nhưng mối quan ngại của họ ở mỗi nước cũng khác nhau. Tại Đức, nông dân phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm giảm dần thuế đối với dầu diesel nông nghiệp để cân bằng ngân sách, điều nông dân cho rằng sẽ khiến họ phá sản. Ở Hà Lan, nông dân phản đối yêu cầu giảm lượng khí thải nitơ. Hiệp hội Nông dân Bỉ cho biết trong một tuyên bố: “Chính sách nông nghiệp chung của EU đã dần trở thành chính sách sinh thái chung mà không có bất kỳ sự công nhận nào đối với các nhà sản xuất thực phẩm như chúng tôi”. Liên minh Nông dân đoàn kết Ba Lan cuối tuần qua đã thông báo về một cuộc tổng đình công bắt đầu từ ngày 9-2 với việc phong tỏa các cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine.

Ở Pháp, các hiệp hội nông dân không mấy hài lòng với những nhượng bộ mà chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho biết trên CNEWS TV: “Điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng hiện đã ở phía sau chúng tôi, nhưng những vấn đề chúng tôi phải giải quyết hiện đang ở phía trước”.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, làm đảo lộn dòng chảy thương mại và làm tăng chi phí năng lượng, phân bón của nông dân ở nhiều nước EU. Nhập khẩu cũng là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, nơi làn sóng nông sản giá rẻ từ Ukraine đã làm gia tăng sự phẫn nộ về cạnh tranh không lành mạnh.

Nhưng theo phân tích từ tờ Euronews, điều cốt lõi dẫn đến các cuộc biểu tình này có thể bắt nguồn từ Thỏa thuận xanh châu Âu (2019), bao gồm những thay đổi đáng kể để đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2050. Trong số nhiều chiến lược được đề xuất, chiến lược “Farm to Fork” (Từ trang trại đến bàn ăn) đã đưa ra các mục tiêu chính liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của châu Âu, như: Cắt giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu vào năm 2030, giảm 20% lượng phân bón, dành nhiều đất hơn cho mục đích phi nông nghiệp... Trước mối đe dọa hiện hữu do suy thoái môi trường gây ra, Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm mục đích bảo đảm tính bền vững của đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Các nhà phân tích nhận định, khủng hoảng từ các cuộc biểu tình không chỉ làm gián đoạn cơ cấu nông nghiệp của khu vực mà còn làm xáo trộn ngành vận tải chịu trách nhiệm vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với lĩnh vực thương mại và sản xuất. Hệ quả là làm gián đoạn chuỗi cung ứng tổng thể và ảnh hưởng đến nền kinh tế EU nói chung. Ngoài ra, nông dân hiện đang nhắm mục tiêu vào các khu vực cảng với mục đích gây gián đoạn cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động của cảng. Tại Bỉ, cảng Zeebruge đã bị nông dân phong tỏa tới 36 giờ như một phần của các cuộc biểu tình rộng khắp ở châu Âu.

Các cuộc biểu tình của nông dân đang làm vấn đề thêm phức tạp bằng cách tạo gánh nặng cho từng quốc gia và giảm khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Đáng nói hơn, các cuộc biểu tình không chỉ làm suy giảm kinh tế của mỗi nước mà còn tác động đến nền kinh tế ở cấp độ khu vực. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đánh giá: "Nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ tiếp tục yếu trong thời gian tới nhưng dự kiến sẽ lấy lại đà vào cuối năm nay". Thế nên, nhằm thu hẹp khoảng cách, các quốc gia ở "Lục địa già" cần đi đến thỏa thuận bảo đảm giá cả công bằng cho nông dân để quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh diễn ra suôn sẻ và ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu: Tác động tiêu cực đến kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.