(HNM) - Đều đặn mỗi chiều, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, những tình nguyện viên của nhóm Hanoi Food Rescue (HFR) lại đi phát đồ ăn cho bệnh nhân, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội.
Món quà tặng người nghèo
HFR được thành lập từ năm 2012 bởi một nhóm học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Ý tưởng lập nhóm xuất phát từ việc Ngô Hà Châu (học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cùng một số học sinh của các trường chuyên Ngoại ngữ, Việt - Đức, Chu Văn An… tham dự cuộc thi Dash for Impact - Kiến tạo ảnh hưởng, tổ chức tại Đại học Ngoại thương năm 2012. Khi ấy, nhận thấy sự lãng phí thức ăn của các khách sạn, nhà hàng là rất lớn, trong khi nhiều người vẫn còn thiếu ăn từng bữa, Hà Châu cùng các bạn lên ý tưởng thành lập một biệt đội "Giải cứu đồ ăn". Mục tiêu của nhóm là đi gom thức ăn của các nhà hàng, khách sạn còn nguyên hình dáng, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng hộp lại rồi trao tặng cho bệnh nhân, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Các thành viên nhóm HFR trao đồ ăn cho người nghèo. |
Khi bắt tay vào thực hiện, nhóm của Hà Châu đã gặp rất nhiều khó khăn. Trở ngại đầu tiên là tìm kiếm một nhà bảo trợ. Do là tổ chức liên quan đến lương thực đầu tiên tại Hà Nội, lại được điều hành bởi các bạn trẻ, đa phần là học sinh trung học phổ thông nên ban đầu nhóm không nhận được sự tín nhiệm của các tổ chức xã hội. Phải đến năm 2013, với sự bảo trợ của REACH, một tổ chức phi Chính phủ và phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và hướng nghiệp cho thanh niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn nhất, HFR mới được chính thức hoạt động như một dự án độc lập, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn trong tìm kiếm nhà bảo trợ cũng không đáng ngại bằng việc thuyết phục các nhà hàng, khách sạn cung cấp đồ ăn cho nhóm. Đặng Phương Linh, học sinh lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Phó Chủ tịch HFR cho biết, ban đầu khi nhóm đặt vấn đề thu gom thức ăn thừa, đa số các nhà hàng, khách sạn đều thẳng thừng từ chối. "Cũng không phải vì họ tiếc, cái chính là họ không yên tâm khi giao đồ ăn cho học sinh, bởi chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình đóng gói, vận chuyển làm thức ăn bị hỏng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của nhà hàng" - Linh cho biết. Phải mất một thời gian dài vận động, thuyết phục các nhà hàng này mới chịu cung cấp đồ ăn cho nhóm, với điều kiện có người của nhà hàng giám sát.
Vượt qua những trở ngại ban đầu, vào tháng 10-2012, những suất ăn đầu tiên đã được HFR trao tận tay người bệnh tại xóm chạy thận ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng. Nhìn những hộp đồ ăn được người bệnh nơi đây đón nhận trong niềm vui, cả nhóm càng thêm động lực để quyết tâm thực hiện đến cùng dự án này. Đến nay, từ một cơ sở tiếp nhận đồ ăn ban đầu, HFR đã mở rộng lên thành 14 địa chỉ, gồm: Viện Nhi trung ương, Viện Bỏng quốc gia, Làng trẻ em Hòa Bình, Làng trẻ em SOS, Làng người nghèo ở Cống Vị, Vạn Phúc, Long Biên… Cùng với đó, số lượng các nhà hàng đồng ý cung cấp thức ăn dư cũng tăng lên đến con số 30, đều là những nhà hàng, khách sạn danh tiếng như Handico, Dân Chủ, De I'Opera, Sofitel Plaza…
Mỗi một tuần, HFR thực hiện 5 buổi đi trao tặng đồ ăn từ thiện, mỗi lần trao từ 20 - 30 suất. Đồ ăn khá linh hoạt theo kiểu "xin được gì trao tặng nấy" nhưng chủ yếu gồm cơm, bánh mì, bánh ngọt, rau trộn, cháo… tất cả đều được đóng trong hộp xốp sạch sẽ. Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch HFR cho biết đồ ăn đều được lấy và trao tặng ngay trong ngày để bảo đảm chất lượng, tuyệt đối không có thức ăn "đông lạnh". Khánh cho biết thêm, trong suốt 3 năm qua, chưa có bất cứ một trường hợp đáng tiếc nào xảy ra khi sử dụng đồ ăn do HFR trao tặng.
Đa phần tình nguyện viên của HFR đều là học sinh các trường phổ thông, bởi vậy việc sắp xếp lịch hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào lịch học tập của các bạn. Tuy nhiên trong 3 năm qua, HFR chưa một lần lỡ hẹn với các "khách hàng" của mình. Có những lúc thiếu người, các thành viên của HFR đã vận động cả gia đình mình cùng tham gia. Điều đó tạo nên sự gắn bó và ủng hộ của các bậc phụ huynh đối với hoạt động từ thiện của nhóm.
Nhưng không chỉ có gia đình mới ủng hộ mà nhiều lần các tình nguyện viên của HFR còn nhận được những trợ giúp đầy bất ngờ từ những người xa lạ. Ấy là những lần di chuyển bằng xe buýt, túi bánh mì, chồng cơm hộp của các bạn làm nhiều người tò mò. Khi biết được các bạn đang làm từ thiện, nhiều người đã ủng hộ ngay trên xe buýt, có khi bằng tiền mặt, có khi là những địa chỉ cung cấp đồ ăn mới cho nhóm. Đối với HFR, đó là một món quà vô giá.
Ước mơ xây dựng ngân hàng lương thực
Cùng với sự phát triển của dự án, HFR cũng không ngừng lớn mạnh về mặt tổ chức. Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay HFR đã có khoảng 60 thành viên, tình nguyện viên. Thời điểm đông nhất số lượng tình nguyện viên lên đến hơn 100 người. Hằng năm, HFR đều tổ chức tuyển tình nguyện viên, có năm nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký.
Bên cạnh việc đưa đồ ăn đến với người bệnh, người nghèo trên địa bàn Hà Nội, HFR còn tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của giới trẻ về vấn đề an ninh lương thực. Điển hình như chương trình Tet Donation được tổ chức định kỳ hằng năm. Theo đó, sau Tết một tuần, HFR sẽ phát động chương trình thu gom bánh kẹo còn dư trong các gia đình, đóng thành túi trao tặng cho trẻ em ở các làng Hòa Bình, SOS, Trung tâm Vì ngày mai. Năm 2014, nhóm thu gom được 185 túi bánh kẹo, đến năm 2015, con số này tăng lên 245 túi. Mùa Trung thu sắp tới, HFR dự định tổ chức một chương trình mang tên Mid - Autumn với hoạt động thu gom bánh Trung thu dôi dư để trao tặng cho học sinh nghèo. Ngoài ra, tùy từng sự kiện mà HFR phối hợp thêm với các đơn vị tặng quà cho những trường hợp khó khăn.
Mục tiêu và ước nguyện lớn nhất của HFR là thành lập được một ngân hàng lương thực đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình ngân hàng cứu trợ thực phẩm đã rất thành công tại một số nước trên thế giới. Không chỉ là "giải cứu đồ ăn" đơn thuần, ngân hàng ấy sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức và thúc đẩy các chương trình về an ninh lương thực tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu ấy, HFR cần sự chung tay của rất nhiều cá nhân, tổ chức và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.