Vĩnh Quỳnh đang là tâm điểm của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thanh Trì với hơn 250 ca mắc. Ngày cao điểm, cả xã có tới 19 ca mắc mới… Trong khó khăn, những tổ xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết của xã Vĩnh Quỳnh đã được kích hoạt. Với 157 tổ, các thành viên đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, vừa tuyên truyền, giám sát, vừa trực tiếp “xắn tay” vào làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Diệt bọ gậy không khó, khó nhất là ý thức người dân
Trong những ngày này, bà Đỗ Thị Với - đội trưởng đội xung kích diệt bọ gậy, phòng, chống dịch sốt xuất huyết thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh ngày nào cũng tất bật với rất nhiều nhiệm vụ. Khi thì đi họp trong thôn, trên xã, lúc lại xuống cơ sở tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc các hộ gia đình công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bà Với cho biết: Đội của bà đang phụ trách 9 tổ xung kích thôn, mỗi tổ có 2-3 người đảm nhiệm công tác diệt bọ gậy cho 450 hộ gia đình.
Nói về nhiệm vụ được giao, bà Với chia sẻ: "Việc diệt bọ gậy không khó. Khó nhất là ý thức của người dân. Khi chúng tôi đến kiểm tra, có hộ khẳng định “nhà tôi sạch hết rồi” nhưng vẫn phát hiện ra bọ gậy. Chỉ vài vỏ hộp sữa chua ở góc vườn, vài cái bát rất nhỏ trong góc bếp hay các lọ cắm hoa trên ban thờ của các gia đình; nước trong xô hứng từ điều hòa các phòng... cũng có thể là nơi để muỗi đẻ trứng sinh ra bọ gậy mà người dân chủ quan, không nghĩ tới...”.
Không chỉ đơn thuần là đến nhắc nhở người dân, các tổ xung kích diệt bọ gậy ở Vĩnh Quỳnh còn “xắn tay”, trực tiếp làm vệ sinh môi trường. “Khi đi tuyên truyền, kiểm tra tại các gia đình, chúng tôi phải mang theo bao tải để “xin” phế thải như chai, lọ, thùng, hộp… của các hộ. Tôi vẫn đùa vui: “Nhà nuôi muỗi à. Để tôi vứt hộ cho nhé!” để tạo không khí vui vẻ, thoải mái với chủ nhà”, Trưởng thôn Quỳnh Đô Nguyễn Văn Chuyên nói.
Đặc biệt, sau những ngày mưa, các tổ xung kích diệt bọ gậy lại “đảo” qua các gia đình để nhắc nhở, kiểm tra, lật úp dụng cụ chứa nước. Công việc cũng có lúc khó, bởi không phải hộ gia đình nào cũngcó thể kiểm tra, nhiều hộ cả nhà làm công nhân, viên chức đi từ sáng đến tối, các thành viên trong tổ phải “phục kích” lúc sáng sớm hoặc chiều muộn mới vào được nhà. Thậm chí, có những gia đình, tổ xung kích phải quay đi quay lại đến 2-3 lần mới có người mở cửa.
Chia nhỏ các khu vực, quyết liệt phòng, chống dịch
Xã Vĩnh Quỳnh có dân số đông, địa bàn rộng. Xã lại thuộc vùng trũng của huyện Thanh Trì, có hơn 1km sông Tô Lịch chảy qua, nhiều ao hồ. Ngoài ra, nhiều gia đình vẫn còn giữ các bể chứa nước mưa được xây dựng từ cách đây hàng chục năm… Đây là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, truyền bệnh.
Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Đình Thuật, dịch sốt xuất hiện xuất hiện ở Vĩnh Quỳnh đợt đầu từ ngày 5-7-2023 tại cụm 8, thôn Vĩnh Ninh. Sau đó, dịch lan nhanh sang cụm 13, ra cả thôn và các thôn khác trên địa bàn xã. Lũy kế đến nay xã có hơn 250 ca mắc. Đỉnh điểm giữa tháng 7 vừa qua, có ngày xã có 19 ca mắc.
Dịch bệnh sốt xuất huyết lan nhanh, công tác phòng, chống, dập dịch là cả vấn đề lớn đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Hàng loạt khó khăn, hạn chế đã được cấp ủy, chính quyền địa phương nhận diện. Đó là, thời gian đầu, người dân còn tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng dịch; chính quyền cơ sở cũng có lúng túng, chậm trễ trong mua, phun hóa chất vệ sinh môi trường.
Xác định khống chế nhanh ổ dịch phải diệt mầm lây lan là muỗi và bọ gậy, xã chia nhỏ các khu vực, giao các hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các thôn và nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch của địa phương quyết liệt hơn. Nếu như những năm trước, việc tuyên truyền chủ yếu trên loa truyền thanh xã thì hiện nay, xã tuyên truyền thêm hình thức lưu động tới từng ngõ xóm.
Đặc biệt, xã Vĩnh Quỳnh đã “kích hoạt” 157 tổ xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết (các tổ này đã được địa phương thành lập từ năm 2017 theo chỉ đạo của thành phố khi dịch sốt xuất huyết gia tăng). Mỗi tổ có 2-3 người là thành viên từ các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, dân phòng… Mỗi tổ phụ trách 50 hộ gia đình. Công việc của đội xung kích là đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn, trực tiếp tham gia diệt bọ gậy; giám sát những người bị sốt ngoài cộng đồng, tổng hợp các trường hợp sốt để báo cáo về xã, thôn…
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Trưởng thôn Vĩnh Ninh - nơi tâm điểm dịch sốt xuất huyết, với hơn 225 ca mắc, cho biết: Thôn đã thành lập 57 tổ xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết. Những ngày này, các tổ xung kích của thôn xuống từng nhà dân để hướng dẫn vệ sinh nhà ở, môi trường, phòng bệnh lây lan. Các tổ xung kích phối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa phương phun hóa chất diệt muỗi, úp các dụng cụ chứa nước, không để muỗi trú ngụ. “Trong những ngày dịch trên địa bàn “nóng”, các tổ xung kích diệt bọ gậy ở thôn Quỳnh Đô cũng hỗ trợ thêm thôn chúng tôi diệt bọ gậy để chống dịch”, ông Khoa cho biết.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh Nguyễn Đình Thuật cho biết, với sự hỗ trợ của huyện, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, đặc biệt là vai trò của các tổ xung kích diệt bọ gậy, đến nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn xã bước đầu được khống chế.
Tuy vậy, với diễn biến bất thường của thời tiết và nhiều sông, ao hồ…, Vĩnh Quỳnh lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Do đó, xã tiếp tục phát động, duy trì nền nếp vệ sinh môi trường vào chiều thứ sáu hằng tuần tại các cơ quan, đơn vị, trường học; và sáng thứ bảy hằng tuần đối với các thôn, tổ dân phố; tiếp tục phát huy vai trò của các tổ xung kích với khẩu hiệu “Không có bọ gậy, không có muỗi và sốt xuất huyết”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.