(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2020), trong đó quy định hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng; phạt người đứng đầu cơ quan 3-5 triệu đồng nếu để cấp dưới uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc. Trao đổi với Báo Hànộimới, nhiều người đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ quy định này và cho rằng, đây là một biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng lạm dụng rượu, bia.
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh):
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm
Với các quy định mở rộng đối tượng bị xử phạt, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia. Trong đó, các hành vi uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ; ép buộc người khác uống rượu, bia cũng bị phạt tiền mức từ 1 đến 3 triệu đồng. Đáng nói, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia, để tình trạng uống rượu, bia trong, giữa giờ làm việc cũng bị phạt tiền mức từ 3 đến 5 triệu đồng.
Theo tôi, để nghị định này đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân. Việc triển khai các giải pháp quyết liệt phòng, chống tác hại của rượu, bia phải đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm. Có như vậy các quy định của pháp luật mới phát huy hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân):
Chấm dứt tình trạng uống rượu, bia trong giờ làm việc và tại cơ quan
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy sự quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, với các quy định mở rộng đối tượng bị xử phạt. Đáng nói, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia, để tình trạng uống rượu, bia trong, giữa giờ làm việc cũng bị phạt tiền mức 3-5 triệu đồng.
Tại phường Nhân Chính, UBND phường đã có thông báo đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc, trong đó có nội dung “Cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực”. Khi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, UBND phường sẽ quán triệt mạnh mẽ quy định này tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đến các tổ chức chính trị - xã hội và thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định.
Anh Nguyễn Đức Thành, chủ quán nướng lụi Mập Còi, phố Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng):
Chủ các nhà hàng bán rượu, bia sẽ phải chấp hành nghiêm quy định
Không chỉ bây giờ mà ngay từ ngày 1-1-2020 khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, lượng khách đến uống bia giảm khoảng 70%. Tôi cho rằng, lý do chính xuất phát từ quy định tăng nặng mức phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nay lại quy định thêm nhiều địa điểm cấm sử dụng rượu, bia như công viên (ngoại trừ các nhà hàng có bán rượu, bia và được cấp phép trước nghị định này), rạp chiếu phim, cơ sở văn hóa - thể thao... Đi kèm là xử lý mạnh tay với các cơ sở kinh doanh rượu, bia với mức phạt 10-20 triệu đồng, có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh 1-3 tháng.
Không chỉ riêng tôi, chắc chắn các chủ nhà hàng bán rượu, bia khác sẽ phải chấp hành nghiêm các quy định. Tuy rằng, lượng khách đến quán sẽ giảm nhiều, nhưng tôi đã chuẩn bị phương án để giữ chân khách, đặc biệt là việc chuẩn bị chỗ làm bãi để xe, giúp khách yên tâm sử dụng xe taxi hay xe dịch vụ để di chuyển sau khi uống rượu, bia tại quán.
Thiếu tá Lưu Quang Trung, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội):
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng
Thực tế cho thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa được một số người dân tự giác chấp hành, khi vẫn có những lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Sự tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông là chưa đủ. Bởi vậy, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ra đời là hết sức cần thiết.
Theo nghị định này, quyền xử phạt thuộc nhiều lực lượng, ngoài cảnh sát giao thông còn có thanh tra các ngành liên quan; chủ tịch UBND các cấp; lực lượng quản lý thị trường đang thi hành công vụ cũng sẽ xử phạt nếu phát hiện hành vi vi phạm... Nếu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, tôi tin rằng tình trạng lạm dụng rượu, bia sẽ sớm chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.