Chiều 17-5, phiên sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục
Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi trong ngày thứ ba diễn ra phiên sơ thẩm. |
Việc phân công nhiệm vụ của các cá nhân tại khoa Hồi sức (khoa gồm 2 đơn nguyên: thận nhân tạo và hồi sức cấp cứu), BV Hoà Bình trong cuộc họp cuối năm 2015, tiếp tục được các luật sư quan tâm. Bởi từ đó xác định việc bị cáo Hoàng Công Lương có được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo hay không.
Sau một buổi giữ im lặng, khi các luật sư bào chữa hỏi, bị cáo Hoàng Công Lương một lần nữa khẳng định: Sự cố xảy ra tại BV Hoà Bình ngày 29-5-2017 do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO trong quá trình sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của y bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo.
"Bị cáo được học chuyên môn khám chữa bệnh, mục đích là để cứu bệnh nhân chứ không phải giết bệnh nhân nên bị cáo nhận thức là phải cứu và chữa trị cho bệnh nhân tốt nhất", bị cáo Hoàng Công Lương nói.
Một chi tiết cần được làm rõ đó là hợp đồng số 315 giữa BV Hoà Bình (đại diện là ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV Hoà Bình thời điểm đó) với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Hợp đồng 315 được cho là có liên quan đến việc kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn chạy thận.
Ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BV Hoà Bình kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực vắng mặt nên ông Đỗ Đinh Vận, Phó Giám đốc BV Hòa Bình đã trả lời về hợp đồng này. Tuy nhiên, ông Vận không biết ai thực hiện hợp đồng này.
Bị cáo Hoàng Công Lương cũng cho biết, thời điểm trước khi xảy ra vụ việc, bị cáo chưa từng nhìn thấy hợp đồng 315, và cũng không biết các điều khoản cụ thể trong hợp đồng, đặc biệt là điều khoản xét nghiệm tiêu chuẩn AAMI (một hệ tiêu chuẩn nước an toàn dành cho hệ thống RO cho chạy thận nhân tạo). Bị cáo vẫn thực hiện nhiệm vụ của bác sĩ vào ngày 29-5-2017.
Một khía cạnh khác, trong hồ sơ có ghi: “Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, BV Hoà Bình hưởng 10% tổng doanh thu của tháng. Số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đinh Vận cũng không biết gì về tỷ lệ ăn chia giữa BV Hoà Bình với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Về hợp đồng là 7,7 USD/ca chạy thận mà Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn nhận, ông Vận khẳng định: "Không được ông Trương Quý Dương phổ biến và cũng chưa được nghe bao giờ".
Ngày thứ ba xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại BV Hoà Bình kết thúc với nhiều tình tiết mới được tiết lộ.
Ngày mai 18-5, phiên toà tiếp tục diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.