(HNMCT) - Trước bối cảnh văn hóa nghe nhìn đang ngày một lấn át, việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng góp phần hình thành và phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Tạo dựng không gian sách thú vị là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách của mỗi người. |
GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:
Xu hướng lười đọc và nguy cơ mù chữ thời hiện đại!
Tôi cho rằng cần phân biệt giữa việc đọc và văn hóa đọc. Hai khái niệm đó gắn kết với nhau, nhưng không phải là một, là đồng nhất, mà đó là hai cấp độ khác nhau. Vì vậy, đề cập đến nhiệm vụ “xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” cần lưu ý hai mục tiêu: Phát triển theo chiều rộng để ngày càng có nhiều người đọc sách và nâng cao chất lượng đọc để đạt tới văn hóa đọc trong cộng đồng, coi đó là chiều sâu của cuộc vận động cần rất nhiều sự kiên trì và thời gian này.
Nhà bác học Lê Quý Đôn có khuyên về ba cách học: "Học bằng mắt, học bằng óc và học bằng tim". Có lẽ, đọc cũng phải qua ba khâu đó mới đạt tới trình độ văn hóa đọc. Điều đó đồng nghĩa với việc, để có văn hóa đọc, rất cần giáo dục và sự tự rèn luyện. Phải chăng, chúng ta chưa quan tâm đến yêu cầu đó trong nhà trường nói riêng và trong xã hội nói chung? Nhiệm vụ xây dựng “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trong xã hội hiện đại gắn chặt với văn hóa đọc của xã hội. Từ tầm nhìn đó, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa đọc phải trở thành một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài.
Hiện nay đã và đang xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại, đó là sự lười đọc. Biết bao vấn đề đặt ra cho con người trong cuộc sống hiện đại, cuốn hút họ vào guồng máy, nhịp sống khẩn trương, dồn ép căng thẳng. Mặt khác, một bộ phận nào đó chạy theo các nhu cầu, đòi hỏi vật chất, không quan tâm đến đời sống tinh thần của mình. Sách vở trở thành xa lạ, xa xỉ đối với họ. Có một số cán bộ chỉ có thời gian đọc các báo cáo, tài liệu hành chính rồi họp hành liên miên nên đã đánh mất khả năng tạo ra cho mình một nếp đọc sách! Tôi đã nhìn thấy những “giá sách trang trí” như vậy ở một số cơ quan, đơn vị, phòng làm việc. Bệnh lười học, lười đọc sẽ dẫn tới sự tụt hậu, hẫng hụt tri thức trong khi tri thức đang phát triển cực kỳ nhanh chóng. Và nếu căn bệnh này kéo dài thì sẽ dẫn tới "những người mù chữ hiện đại", vì theo Toffle: “Ở thế kỷ XXI, một người mù chữ không phải là người không biết đọc, biết viết, mà là người không chịu học lại, không chịu tự đào tạo lại, bổ sung những kiến thức cũ đã lỗi thời".
Bà Trần Thị Phương Lan - Trưởng phòng Đọc và Bộ phận làm thẻ, Thư viện Quốc gia Việt Nam:
Mở rộng hoạt động thư viện để thu hút người đọc
Trong những thập niên gần đây, các thư viện Việt Nam đang phát triển từ mô hình thư viện truyền thống sang hiện đại nhằm mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng. Tại các thư viện đã xây dựng hệ thống thông tin số với các cơ sở dữ liệu toàn văn cho phép người dùng có thể đọc, tải về hay in ấn các tài liệu số của thư viện từ bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào mà không nhất thiết phải đến thư viện.
Không chỉ xây dựng thư viện số, cung cấp các sách điện tử, tạp chí điện tử, triển khai các dịch vụ mới như tra cứu trực tuyến, cung cấp thông tin từ xa, tư vấn tham khảo trực tuyến... các thư viện còn tạo ra các không gian chia sẻ thông tin hoặc các dịch vụ trải nghiệm như đổi mới môi trường đọc, các không gian đa dịch vụ tiện ích như kết hợp chơi nhạc, xem phim, thí nghiệm, công cụ lắp ráp; không gian sinh hoạt cộng đồng để bạn đọc có thể gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt; hoặc mở rộng nhiều hoạt động ngoài thư viện như chia sẻ nguồn thông tin tới các trường học, các khu dân cư, các địa điểm công cộng vùng sâu vùng xa, lập tủ sách ở các trại giam, bệnh viện hay khách sạn.
Thư viện là một thiết chế văn hóa, là “xương sống” thúc đẩy sự hình thành văn hóa đọc cho mỗi quốc gia. Việc đổi mới thư viện để cố gắng thu hút người sử dụng thư viện tiếp cận chính là sự thay đổi sáng tạo của ngành Thư viện, của mỗi thư viện trong việc thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên:
Tình trạng lười đọc đang diễn ra trên diện rộng!
Trên 30 năm dạy học từ phổ thông, đại học, sau đại học đến hệ tại chức ở các tỉnh phía Bắc và 8 năm làm xuất bản luôn đau đáu với sách, tôi thấy văn hóa đọc đang thực sự đáng báo động. Lượng sách giấy giảm đáng kể, sách điện tử tăng lên nhiều hơn nhưng lại đang có kiểu đọc "mì ăn liền", đọc xong là quên ngay. Nhiều thư viện chỉ còn có hai loại độc giả thường xuyên đến, một là dăm bảy cháu nhỏ đọc truyện tranh, hai là vài ba cụ về hưu đến xem báo, tạp chí, thi thoảng mới có ít sinh viên đến tìm tài liệu làm khóa luận, luận văn. Ngay cả các sinh viên cũng chỉ đọc để thi, một cuốn giáo trình phô tô cả lớp, dùng xong rồi bỏ luôn, không xem lại, dù đó là kiến thức chuyên ngành. Không chỉ học sinh, sinh viên, thậm chí cả giáo viên phổ thông cũng có xu hướng lười đọc, có khi còn đọc ít hơn cả lúc còn đi học, thường tìm kiếm giáo án mẫu trên mạng, cắt dán, xào xáo kiến thức của người khác thành của mình mà vẫn trở thành giáo viên dạy giỏi.
Tuy rằng có một số địa phương làm rất tốt việc xây dựng phong trào đọc sách, nhưng đó mới chỉ là vài con thuyền nhỏ nhoi ra biển, mới là muối bỏ bể mà thôi. Chúng ta đang ra sức tìm nguyên liệu là sách, "chế biến" thật ngon, thật đẹp, phương thức thật tuyệt vời để mời người đọc, nhưng dường như món "ăn mặn" ấy lại đang mời những "cao tăng" ăn chay. Chủ thể đọc sách là thế hệ trẻ, nhưng họ lại đang bị cuốn vào lối sống thực dụng, nếu chúng ta không hình thành nếp đọc sách, chuẩn bị cho các chủ nhân tương lai đón nhận văn hóa đọc, phương pháp đọc ngay từ khi còn học tiểu học, hay THCS thì sẽ chỉ là đắp ngọn, bồi dưỡng ngọn mà không có gốc. Bởi vậy cần đưa vào chương trình giáo dục một phương pháp dạy và học để lấy kiến thức, một lối thi cử hiệu quả để học thật thi thật chứ không phải để lấy bằng thì mới có thể mang đến hiệu quả lâu dài, bền vững là đào tạo ra thế hệ người đọc, người học có văn hóa.
Ở tất cả các địa phương cần phải xác định rõ rằng, tầm quan trọng của phát triển kinh tế và văn hóa là như nhau, thậm chí còn phải giữ nguồn ngân sách nhất định cho văn hóa. Chiến lược văn hóa, trong đó có văn hóa đọc, cần phải được xây dựng đường lối hiệu quả bằng cơ chế, bằng ngân sách chứ không phải chỉ trên văn bản. Chớ để một thế hệ trẻ được đào tạo ra sau này, càng thông minh, giỏi giang, càng siêu vi tính, tiếng Anh càng ít đọc sách và đặc biệt không quan tâm đến văn học thì càng dễ trở thành vô tình, nhẫn tâm, thậm chí tàn bạo, bởi thiếu đi sợi dây lương tri do văn học, văn hóa níu giữ tâm hồn, níu giữ phần thiện con người được xây từ gia đình, nhà trường và cộng đồng trong suốt quá trình trưởng thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.