(HNM) - Nếu ví thời kỳ 2010-2015 là một chặng đường mới, thì những nỗ lực của các văn nghệ sĩ Thủ đô chính là những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quãng thời gian này.
Khơi nguồn cảm hứng sáng tạo
Nếu ví thời kỳ 2010-2015 là một chặng đường mới, thì những nỗ lực của các văn nghệ sĩ Thủ đô chính là những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quãng thời gian này. Nhìn lại, thấy biết bao là nỗ lực, tìm tòi của mỗi văn nghệ sĩ. Không chỉ có các cuộc vận động sáng tác hướng tới các ngày kỷ niệm mà nhiều trại sáng tác, thực tế, điền dã tới những vùng đất quê hương cách mạng, chiến khu xưa, hay nơi biển đảo… cũng được tổ chức, đã góp phần khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Những đề tài lịch sử, cách mạng và kháng chiến, những câu chuyện về đất nước, con người, về Thủ đô được thể hiện một cách sống động qua ngòi bút, nét cọ, giai điệu, thước phim…
Khách tham quan một triển lãm ảnh nghệ thuật về Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Rõ nét và sôi động hơn cả có lẽ là đời sống văn học. Cùng với các giải thưởng, những buổi hội thảo, tọa đàm hay hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội là những tác phẩm thơ, văn xuôi liên tiếp được giới thiệu tới công chúng trong suốt 5 năm qua… cho thấy bức tranh sinh động của văn học Thủ đô.
Góp dấu ấn đáng nhớ cho chặng đường này còn là những triển lãm, các chương trình nghệ thuật của một số hội chuyên ngành. Triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội với các chủ đề: Cuộc sống và con người Hà Nội, Hà Nội đổi mới và phát triển, Chân dung và cuộc sống Người Hà Nội...; triển lãm mỹ thuật Thủ đô được tổ chức thường niên vào dịp 10-10; chương trình ca nhạc "Tình yêu Hà Nội" của Hội Âm nhạc Hà Nội; chương trình biểu diễn quảng bá múa cổ Hà Nội "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa", Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội đã tạo được tiếng vang… trở thành ngày hội của không chỉ các văn nghệ sĩ. Từ góc nhìn của mình, bằng tác phẩm của mình, các nghệ sĩ đã góp phần hòa tấu "bản giao hưởng" bằng nghệ thuật của Hà Nội thêm sống động. Cùng với triển lãm thường niên này, nhiều cuộc thi, triển lãm chuyên đề, triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm của các nghệ sĩ được thường xuyên tổ chức cũng đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa, tạo sân chơi cho anh em văn nghệ sĩ…
Bền bỉ vun đắp, lan tỏa
Khởi đầu từ hai điệu múa cổ đặc sắc ở Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) là "Múa bài bông" và "Múa trống cổ" (được phục dựng và công bố năm 2010), các hội viên của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã tiếp tục hành trình tìm về bản Dao ở Ba Vì, Lương Sơn (Hòa Bình), các huyện như Hoài Đức, Đan Phượng, Đa Sĩ của Hà Nội… để sưu tầm các điệu múa cổ. Công việc dài hơi này được Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội triển khai bền bỉ trong nhiều năm song song với việc tổ chức cuộc thi múa không chuyên, mở lớp hướng dẫn múa dân gian và truyền kiến thức về sáng tác cho các đối tượng nghiệp dư…
Với sân khấu Thủ đô, nỗ lực vun đắp và nhen lửa cũng đã được các nghệ sĩ dồn nhiều tâm huyết. Suốt 5 năm qua đã có bao vở diễn, bao tiết mục được khai sinh từ mong muốn sân khấu Thủ đô luôn sáng đèn. Nhà hát Cải lương Hà Nội kéo khán giả bằng các vở diễn mới, các chương trình tổng hợp; Nhà hát Chèo Hà Nội khai thác các kho truyện cổ để tiếp cận khán giả nhỏ tuổi. Rối Thăng Long với những mảng trò truyền thống và sáng tạo mới đậm bản sắc dân tộc đã chinh phục được bạn bè bốn phương. Những tiết mục hay như vở "Những mặt người thấp thoáng" của Kịch Hà Nội đã giành được Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2012, giải A Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Một đơn vị còn khá non trẻ của sân khấu Hà Nội là Đoàn Xiếc cũng đang dần trưởng thành qua từng giai đoạn…
Cùng chung một tấm lòng đam mê đối với kho tàng di sản văn hóa dân gian, các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội liên tục gối vụ hàng năm công việc nghiên cứu, sưu tầm bằng các chuyến đi thực tế, điền dã. Và kết quả cho niềm say mê là hàng loạt công trình nghiên cứu được in sách như: "Chợ Hà Nội xưa và nay", "Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội", "Hội làng Hà Nội", "Bảo tồn phát huy lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội qua trò diễn dân gian", "Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long - Hà Nội"...
Với điện ảnh, các nhà văn, nhà biên kịch của Hội Điện ảnh Hà Nội không ngừng tham gia sáng tác và dự trại sáng tác của Hội hằng năm với các thể loại phim tài liệu, phim truyện, hoạt hình về các ngày lễ lớn của Thủ đô. Đặc biệt, Hội đã và đang nỗ lực xúc tiến để triển khai 2 dự án phim truyện nhựa "Người mẹ Hà Nội" và phim lịch sử "Từ núi Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm". Cùng với các hoạt động sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm… đời sống VHNT Thủ đô còn thêm sôi động bởi những tranh luận trao đổi từ các tọa đàm, hội thảo của các hội chuyên ngành.
Điểm lại hoạt động VHNT Thủ đô trong chặng đường 5 năm đã qua, có thể thấy được không khí hoạt động khá sôi nổi của các văn nghệ sĩ trải đều trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng chính là nền tảng cho sự phát triển của VHNT Thủ đô, cũng đồng thời là hành trang để bước tiếp vào chặng đường mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.