Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo VOV| 12/07/2013 15:05

Sau gần 3 ngày làm việc, sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc bế mạc phiên họp thứ 19.

Trước phiên bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nghị quyết liên quan đến việc các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Điểm mới của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung là xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo cũng như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quy định rõ hơn trình tự, thủ tục xử lý các vấn đề này. Qua thảo luận, đa số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về sự thống nhất, đồng bộ giữa Nghị quyết này với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến: “Để đảm bảo sự thống nhất giữa nghị quyết này với hệ thống pháp luật, nhất là những hệ thống pháp luật, tới đây, chúng ta có sự chỉnh sửa ví dụ như Hiến pháp và Luật Tổ chức hoạt động của Quốc hội. Nếu chúng ta thông qua Nghị quyết lần này thì đời sống của Nghị quyết này chỉ tồn tại trong khoảng 1 năm. Theo tôi, có lẽ chúng ta cứ tiếp tục nghiên cứu làm sâu thêm, đến khi có đủ điều kiện, có căn cứ pháp luật thì ra Nghị quyết sẽ đảm bảo hơn”.

Mục đích tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội chủ yếu là hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại theo lĩnh vực phụ trách và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Nghị quyết cần giao cho Ban Dân nguyện là cơ quan thường trực làm đầu mối, giúp các cơ quan của Quốc hội tiếp công dân và tổ chức việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, để khắc phục tình trạng hiện nay là có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chuyển lòng vòng. Đa số các ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp giữa Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc xử lý đơn, thư của công dân.

Liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu cho rằng: “Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo này thì quyền năng của đại biểu Quốc hội là ở mức độ nào. Chúng ta là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo không gọi là giám sát tối cao nhưng đây là giám sát. Cho nên, Nghị quyết phải nói được yêu cầu của chúng ta là cần yêu cầu các cơ quan chưa giải quyết thấu đáo, chưa giải quyết đến nơi đến chốn, chưa giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật thì phải giải quyết cho công dân. Không thể nói chung chung là chỉ theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị”.

Cũng trong sáng nay, với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu các cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý các nội dung đã được thảo luận tại phiên họp, hoàn thiện các dự thảo Luật, nghị quyết trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.