(HNMCT) - Những năm qua, cái tên Phùng Văn Khai bắt đầu được độc giả biết đến ở vai trò của một tác giả chuyên về tiểu thuyết lịch sử, dù anh đặt chân vào địa hạt này chưa lâu, từ tác phẩm đầu tiên Phùng Vương (NXB Hội Nhà văn, 2015).
Chỉ sau 5 năm, Phùng Văn Khai lại liên tiếp cho ra đời những cuốn tiểu thuyết sử dày dặn khiến bạn đọc bất ngờ, sau Phùng Vương là Ngô Vương và mới đây là Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc. Bộ tứ tiểu thuyết lịch sử cho thấy niềm say mê của tác giả Phùng Văn Khai với các nhân vật lịch sử, như chính anh đã từng chia sẻ, rằng bản thân luôn tự cảm thấy cần có một trách nhiệm nào đấy của người cầm bút đối với lịch sử dân tộc theo cách riêng của mình.
Phùng Vương, cuốn tiểu thuyết chương hồi đầu tiên của Phùng Văn Khai ngay khi ra đời đã thu hút sự chú ý của giới phê bình. Không ít người cho rằng anh đã dũng cảm xông pha vào mảnh đất vốn rất trống vắng nguồn sử liệu. Chính nhà văn Phùng Văn Khai cũng từng kể, “nhiều nhân vật lịch sử của chúng ta xuất hiện còn quá mỏng, quá sơ sài, như Phùng Hưng, trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ có 16 dòng; Ngô Quyền cũng chỉ 20 dòng”. Với quan niệm “nhà văn phải biết bay qua vùng đất khó”, có lẽ chính sự trống vắng, nhòe mờ của nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật lịch sử lại mang đến những thách thức đầy thú vị để Phùng Văn Khai chinh phục.
Anh ấp ủ đề tài trong 10 năm, ngụp lặn để tìm kiếm tư liệu qua nhiều nguồn, cả chính sử, dã sử, qua các truyện kể, giai thoại dân gian, các gia phả, tộc phả, hay những tài liệu trong phật giáo. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, 32 hồi của tiểu thuyết Phùng Vương phù hợp với những câu chuyện được mở ra trong một không gian đủ cả “bốn phương tám hướng”. Mọi nguồn sử liệu được Phùng Văn Khai xử lý khá tài tình, dung hòa hợp lý, sau đó lại được dày công đắp bồi, sáng tạo thêm để tái hiện sống động câu chuyện xưa, nhân vật xưa qua cách viết linh hoạt, các chương hồi có độ kết nối, chuyển tiếp.
Sự thành công của cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay Phùng Vương phải chăng đã tiếp thêm sức mạnh để ngòi bút Phùng Văn Khai càng viết nhanh hơn, khỏe hơn. Tiểu thuyết Ngô Vương vừa “chào đời” vào mùa thu năm 2019, thì mùa hạ năm 2020, Nam Đế Vạn Xuân và Triệu Vương phục quốc cùng ra mắt độc giả. Trong cuộc tọa đàm ra mắt sách mới đây của anh, có thể nhận thấy những đóng góp của nhà văn Phùng Văn Khai đối với văn học sử Việt đã ít nhiều được ghi nhận. Bộ tứ tiểu thuyết lịch sử dày dặn, công phu của Phùng Văn Khai giúp nhiều bạn đọc đến gần hơn với lịch sử nước nhà, tuy rằng phần lớn tác phẩm nghiêng về chiến thuật, binh pháp, võ công, còn ít các chất “đời”, chất “tình” để thu hút độc giả hơn.
Là người nặng lòng với lịch sử, trước khi viết bộ tứ tiểu thuyết này, Phùng Văn Khai đã có các truyện chân dung lịch sử như Trần Quốc Tuấn - vị Thánh tướng hiền minh, Phạm Ngũ Lão - danh tướng xuất thân từ nông dân, Lý Thường Kiệt - danh tướng phạt Tống bình Chiêm. Với Phùng Văn Khai, truyền thống văn hóa dân tộc với bề dày lịch sử, với biết bao danh nhân, hào kiệt là kho đề tài đầy sức cuốn hút anh. Và trách nhiệm của nhà văn là cần phải dấn thân vào những giai đoạn còn mờ nhòe, đi sâu vào những khuất lấp của các nhân vật, để minh định, hoặc đưa ra những giả định để lý giải hiện tượng lịch sử.
Sự nghiệp văn chương của Phùng Văn Khai không chỉ dừng ở các tác phẩm văn học sử. Trước khi rẽ sang lịch sử, Phùng Văn Khai viết khá đa dạng. Anh có các tập truyện ngắn như Khúc dạo đầu của binh nhì, Đêm trăng thiêng, Hương đất nung, Những người đốt gạch, tập chân dung văn học: Lê Lựu như tôi biết, Tản mạn Nguyễn Bình Phương, Phác họa mấy chân dung văn học, tiểu thuyết Hư thực, Hồ đồ, tập thơ Lửa và hoa.
Nhà văn quân đội Phùng Văn Khai sinh năm 1973, quê ở Hưng Yên. Anh tốt nghiệp Khóa VI Trường viết văn Nguyễn Du. Ngoài viết văn, anh cũng từng làm phim tài liệu, phóng sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.