Ngày 9-2, theo Reuters, các ứng cử viên độc lập được hậu thuẫn bởi cựu Thủ tướng Imran Khan đang bị giam giữ đã giành được nhiều ghế nhất sau khi kết quả từ hơn một nửa số khu vực bầu cử tại Pakistan được công bố trong cuộc bỏ phiếu trước đó một ngày.
Gần 24 giờ đã trôi qua kể từ khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc và kết quả bị trì hoãn một cách bất thường, điều mà Chính phủ Pakistan cho là do việc đình chỉ dịch vụ điện thoại di động - một biện pháp an ninh trước cuộc bầu cử diễn ra hôm 8-2.
Theo một cuộc kiểm đếm kết quả do Ủy ban bầu cử Pakistan (ECP) công bố, trong số 136 ghế (tính đến chiều cùng ngày, giờ địa phương) từ 235 ghế tranh cử, các ứng cử viên độc lập được ông Imran Khan hậu thuẫn đã giành được 49 ghế.
Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif giành được 42 phiếu, trong khi đảng Nhân dân Pakistan của ông Bilawal Bhutto Zardari được 34 phiếu. Phần còn lại thuộc về các đảng nhỏ và các đảng độc lập khác.
Các ứng cử viên độc lập không thể tự thành lập chính phủ theo hệ thống bầu cử phức tạp của Pakistan, hệ thống này cũng bao gồm các ghế sẽ được phân bổ riêng cho các đảng dựa trên chiến thắng của họ. Nhưng các ứng viên độc lập có quyền lựa chọn tham gia bất kỳ đảng nào sau cuộc bầu cử.
Cựu Thủ tướng Imran Khan đang ngồi tù và đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông bị cấm tham gia bầu cử, vì vậy, những người ủng hộ ông tranh cử với tư cách độc lập.
Các nhà phân tích dự đoán, có thể không đảng nào giành chiến thắng lớn, làm tăng thêm những khó khăn của một quốc gia đang vật lộn để phục hồi sau một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như tình hình chính trị bị phân cực sâu sắc.
Moody's Investor Service nhận định: “Việc công bố kết quả kịp thời, dẫn đến việc thành lập chính phủ mới một cách suôn sẻ sẽ làm giảm sự bất ổn về chính sách và chính trị. Điều này rất quan trọng đối với đất nước đang phải đối mặt với những điều kiện kinh tế vĩ mô đầy thách thức".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.