Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử không phải là “thần dược”

Lâm Phương| 12/10/2010 07:05

(HNM) - Người dân Kyrgyzstan đang kỳ vọng về một đổi thay bước ngoặt sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo chế độ dân chủ nghị viện diễn ra ngày 10-10. Tuy nhiên, trang sử nhiều gập ghềnh của quốc gia Trung Á này khó có thể khép lại trong nay mai vì mô hình chính trị mới không phải là

Người dân Kyrgyzstan đi bầu cử với hy vọng sớm có một tương lai tốt đẹp.


Theo kết quả sơ bộ công bố cuối ngày
11-10, với 92% số phiếu được kiểm, dẫn đầu là đảng Tổ quốc (Ata-Zhurt) với 8,68% số phiếu, đứng thứ 2 là đảng Dân chủ xã hội với 8,08%, về thứ 3 là đảng Phẩm giá (Ar-Namys) của cựu Thủ tướng Felix Kulov với 7,25% số phiếu, thứ 4 và 5 là đảng Cộng hòa (7,07%) và đảng Quê hương (Ata-Meken) thân chính phủ (5,83%). Như vậy, dù 5 đảng này hầu như đã chắc chắn có ghế trong Quốc hội khóa mới, nhưng không đảng phái nào giành được đa số phiếu ủng hộ của cử tri để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới. Do đó, trong những ngày tới, các đảng phái sẽ tích cực đàm phán để thành lập một nội các liên minh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tham vọng của các phe phái trong cuộc đua tranh quyền lực ở cơ quan lập pháp có thể sẽ gây thêm những sóng gió mới cho chính trường vốn đang rối ren ở Kyrgyzstan.

Là một đất nước với dân số chỉ khoảng 5,4 triệu người, nhưng Kyrgyzstan có hàng chục cộng đồng sắc tộc khác nhau sinh sống. Mỗi cộng đồng sắc tộc, khu vực ở đây thường lập một chính đảng riêng, đối chọi nhau về đường lối, mục tiêu. Vì vậy, việc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền trong Quốc hội sẽ khó tránh khỏi khó khăn và phức tạp. Trong khi đó, mâu thuẫn kéo dài sẽ là môi trường "nuôi dưỡng" chủ nghĩa dân tộc, khoét sâu thêm tình trạng chia rẽ giữa cộng đồng người Kyrgyz và người Uzbek được cho là thiểu số.

Bên cạnh những bất đồng gay gắt giữa các đảng phái chính trị, Kyrgyzstan cũng đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế - xã hội hết sức nghiêm trọng như: ngân sách trống rỗng, nợ nước ngoài tăng cao, nền kinh tế đứng bên bờ sụp đổ, nạn đói đe dọa, tham nhũng hoành hành và nguy cơ tái bùng phát xung đột sắc tộc gia tăng. Hiện tại, khoảng hai triệu người Kyrgyzstan đang bị thiếu ăn trầm trọng. Đặc biệt, người dân tại khu vực phía Nam là thành phố Osh và tỉnh Dzhalal-Abad, vốn đang chịu cảnh màn trời, chiếu đất do nhà cửa bị tàn phá trong các cuộc xung đột sắc tộc hồi tháng 6 vừa qua, nay lại đương đầu với nạn đói, nhất là khi mùa đông đang đến. Trong khi đó, các nguồn dự trữ chiến lược như dầu và ngũ cốc gần như cạn kiệt. Tất cả những vấn đề trên sẽ là nguyên nhân làm gia tăng sự bất mãn trong dân chúng, khiến hận thù sắc tộc ở khu vực luôn được coi là "thùng thuốc súng" này ngày càng sâu sắc.

Ngay cả khi các đảng phái đạt được sự đồng thuận trong cuộc đàm phán thành lập chính phủ cũng chưa chắc Kyrgyzstan sẽ bước ngay sang một trang mới. Thực tế cho thấy, trong 6 tháng nắm quyền vừa qua, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan chưa chứng tỏ được năng lực điều hành đất nước và dường như bất lực trước các cuộc xung đột. Việc Bishkek phải cầu tới sự trợ giúp về an ninh và nhân đạo từ Nga, nhiều tổ chức khu vực và quốc tế cho thấy Kyrgyzstan hội tụ khá nhiều yếu tố để trở thành một "Kosovo mới" giữa lòng Trung Á.

Hiện tại, một cuộc sống ổn định, không bạo lực, dưới sự điều hành của một chính quyền hợp hiến đang là khao khát của người dân Kyrgyzstan - một đất nước có diện tích gần 200.000km2 nhưng đầy "thương tích" trong vòng xoáy của suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị. Nhất là sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hồi tháng 4 vừa qua và làn sóng xung đột sắc tộc ở miền Nam đầu tháng 6-2010, làm hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương, hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa...

Cuộc bầu cử quốc hội Kyrgyzstan vừa diễn ra chỉ là bước khởi đầu trên con đường dài đầy gian truân để chính phủ mới khôi phục trật tự, phát triển kinh tế trong bối cảnh nguy cơ bạo lực và xung đột sắc tộc đang rình rập, đe dọa nền hòa bình còn mong manh ở quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử không phải là “thần dược”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.